Thương hiệu và "sức mạnh vô thức"

Khi chúng ta mua một món hàng nào đó, chúng ta thường nghĩ rằng mình biết rõ lý do vì sao chọn món hàng này. Chúng ta luôn có cảm giác kiểm soát được hành động của mình và quyết định mua một món hàng nào đó cũng không phải là ngoại lệ. “Tôi mua sản phẩm mới đó vì nó có tính năng tốt nhất, giá tốt nhất và hình thức đẹp nhất”.


Thế nhưng, theo các nghiên cứu từ góc độ khoa học thần kinh, tâm lý và kinh tế học hành vi thì con người hầu như không hợp lý như chúng ta vẫn nghĩ. Thay vào đó, ta bị thôi thúc bởi những ảnh hưởng vô thức và mơ hồ có nguồn gốc từ “quá khứ xa xôi”.

Trong quyển sách mới phát hành Brand Seduction: How Neuroscience Can Help Marketers Build Memorable Brands (Sức hấp dẫn thương hiệu: Làm cách nào để khoa học thần kinh có thể giúp các nhà tiếp thị xây dựng các thương hiệu đáng nhớ), tác giả Daryl Weber – một nhà tư vấn thương hiệu có ảnh hưởng với một số thương hiệu lớn nhất thế giới đã đào sâu vào thế giới tâm trí của người tiêu dùng. Sau đây là một vài gợi ý mà các nhà khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp có thể ứng dụng từ tư duy của Daryl Weber.

1. Mọi thứ mà bạn làm đều là làm thương hiệu

Đối với những ai mới bắt đầu làm quen với việc xây dựng thương hiệu, cần nhận ra rằng thương hiệu của bạn xa, rộng hơn nhiều so với chiếc logo. Theo Weber, một thương hiệu là “tập hợp những liên tưởng trong tâm trí, cả ý thức và vô thức”.

Những liên tưởng có ý thức có thể bao gồm sản phẩm hay dịch vụ của bạn, chức năng của sản phẩm, giá và tên sản phẩm, các mẫu quảng cáo và tiếp thị. Khía cạnh vô thức chính là cảm xúc ẩn bên dưới được kết nối với thương hiệu.

Cảm xúc này được bồi đắp theo thời gian từ tất cả những tương tác mà mọi người có được với thương hiệu của bạn, với nơi mà họ nhìn thấy thương hiệu, với người sử dụng hoặc đại diện cho thương hiệu, với màu sắc và cảm xúc mà tên thương hiệu mang lại. Điều này có nghĩa là mọi khía cạnh của doanh nghiệp mà người tiêu dùng tiếp xúc, từ cách phân phối, bán hàng cho đến văn hóa doanh nghiệp và con người sẽ ảnh hưởng đến trực giác và quyết định vô thức về thương hiệu của bạn.

2. Xây dựng "thế giới tưởng tượng" cho thương hiệu của bạn

Weber miêu tả trực giác vô thức về một thương hiệu giống như “thế giới tưởng tượng” độc đáo của riêng nó. Đó là tập hợp những liên tưởng về thương hiệu hình thành nên một “trực cảm” trong tâm trí người tiêu dùng và có thể ảnh hưởng đến việc họ chọn mua sản phẩm của bạn hay của đối thủ cạnh tranh.

Weber gợi ý nên đào sâu vào cảm xúc, cá tính và thậm chí là “linh hồn” của thương hiệu và sau đó thổi bùng chúng ra thông qua hình ảnh… để định nghĩa “thế giới tưởng tượng” mà bạn muốn người tiêu dùng cảm nhận.

3. Cách bạn nói có thể quan trọng hơn điều bạn nói

Là chủ doanh nghiệp, chúng ta cần phải nói được tại sao sản phẩm và thương hiệu của chúng ta tốt hơn của đối thủ cạnh tranh. Chúng ta chào mời những lợi ích và chức năng của sản phẩm qua kênh tiếp thị và PR. Dĩ nhiên, đây là điều quan trọng nhưng cách chúng ta nói lên thông điệp còn quan trọng hơn.

Trong Brand Seduction, Weber miêu tả cách mà “giọng điệu” và cá tính của tiếp thị tạo nên sự khác biệt lớn về cách nhìn của người tiêu dùng đối với thương hiệu của bạn. Các yếu tố thiết kế như màu sắc, kiểu chữ, nét mặt của một người mẫu, âm nhạc và nhiều yếu tố khác có tác động mạnh đối với cách nhìn về thương hiệu.

Những yếu tố này có thể làm thương hiệu của bạn được cảm nhận là hiện đại hơn, cao cấp hơn, hào nhoáng hơn, ấm áp hơn hay thậm chí là hoài niệm hơn – tất cả phụ thuộc vào ý muốn của bạn. Thậm chí một tờ giấy trắng cũng nói lên điều gì đó. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đang bồi đắp cho thương hiệu của mình bằng những cảm xúc mà bạn muốn qua mọi thông điệp.

4. Đừng nghe theo "lời của người tiêu dùng"

Chính vì những liên tưởng vô thức này, các kết quả nghiên cứu thị trường có thể chỉ kể với bạn một nửa câu chuyện. Khi chúng ta thực hiện các cuộc khảo sát, phỏng vấn, khảo sát nhỏ, chúng ta chỉ tập trung vào những phản ứng và lời giải thích có ý thức về sản phẩm và thương hiệu. Dữ liệu này có thể có giá trị nhưng thường thì chúng bỏ qua khía cạnh vô thức cũng rất quan trọng của các thương hiệu.

Hãy chắc chắn rằng bạn lắng nghe nguồn năng lượng và cảm xúc phía sau lời nói của khách hàng. Hãy quan sát những ẩn ý qua ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu cũng như bối cảnh rộng hơn trong cuộc sống của họ để hiểu được tại sao họ đang nói điều đó. Bằng cách này, bạn sẽ có được bức tranh phong phú hơn về cảm xúc thật của khách hàng.

AN BÌNH (theo Entrepreneur)/DNSGCT

UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”
Big data (dữ liệu lớn) là thuật ngữ thông dụng đối với các doanh nghiệp (DN) lớn, dùng để chỉ một kho dữ liệu thông tin khổng lồ và phức tạp về sở thích, thói quen của người tiêu dùng dựa trên những tương tác của họ trên website, ứng dụng di động, mạng xã hội... Biết cách khai thác, sử dụng nguồn dữ liệu này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhỏ. 


Theo chuyên gia tiếp thị chuyên về chiến lược định hướng dữ liệu Marina Erulkar - Giám đốc, nhà sáng lập Công ty Tiếp thị Hampstead Solutions, sau đây là 8 bước giúp chủ DN nhỏ khai thác hiệu quả sức mạnh của big data:

1. Tập trung vào những dữ liệu cần thiết. Để tận dụng tốt big data, DN nhỏ phải tập trung tối đa vào những dự định và mục tiêu của mình, nghĩa là phải chọn lọc những thông tin đáng được quan tâm và chấp nhận bỏ qua những thông tin khác.

Tính kỷ luật là chìa khóa để khai thác sức mạnh của big data, vì nếu không có nó, DN sẽ bị quá tải bởi những số liệu có thể được tạo ra từ việc đo lường những thông tin không cần thiết.

Chẳng hạn, DN có thể dễ dàng đo lường được số lượt "like" của các bài đăng trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, những dữ liệu đó gần như không nói lên được điều gì, vì có thể có đến hàng triệu người nhấn nút "like" nhưng chưa bao giờ đọc nội dung bài đăng của DN.

2. Đặt ra những mục tiêu rõ ràng. DN, đặc biệt là các DN mới thành lập, phải đặt ra những mục tiêu và cột mốc thời gian rõ ràng cho việc khai thác big data. Chẳng hạn, một DN mới cần đặt mục tiêu thu hút khách hàng trong ngắn hạn, nhưng cũng cần một mục tiêu khác dài hạn hơn để tăng doanh thu từ những khách hàng này.

Nhờ xác định rõ mục tiêu cũng như thời gian thực hiện, DN mới có thể tập trung nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đầu tiên, sau đó thực hiện riêng lẻ hoặc song song mục tiêu thứ hai là tăng trưởng khách hàng.

Việc thiết lập mục tiêu giúp DN nhỏ dễ đạt được hiệu quả tăng trưởng theo từng giai đoạn như dự kiến và đảm bảo những kết quả đo lường thực sự kịp thời và có giá trị. Những mục tiêu này còn giúp DN xác định chính xác những dữ liệu cần thiết.

Trong trường hợp những dữ liệu được đòi hỏi không có sẵn, chủ DN hoặc nhà tiếp thị cũng có thể xác định những nguồn tìm kiếm cần thiết và bắt đầu xây dựng bộ dữ liệu cần thiết đó cho DN.

3. Bổ sung kiến thức tiếp thị. Khi đã có được doanh thu, những hiểu biết về tiếp thị sẽ giúp chủ DN nhận thấy những dấu hiệu cho thấy nên bắt đầu tiến hành bán thêm (up-selling: nâng cấp một sản phẩm hiện tại, thuyết phục khách hàng mua một phiên bản đắt tiền hơn của sản phẩm cùng loại), và bán chéo (cross-selling: đem đến cho khách hàng những sản phẩm hay dịch vụ cộng thêm).

Việc tự tổ chức hoặc tham gia những khóa học hữu ích sẽ giúp DN luôn sẵn sàng cho những thay đổi cần thiết và hơn nữa, giúp cho quá trình thay đổi đó diễn ra hiệu quả.

Sử dụng hệ thống KPI và số liệu có liên quan đến mục tiêu. Những thông tin có được từ các chỉ số KPI (viết tắt của Key Performance Indicator - chỉ số đánh giá quá trình thực hiện công việc) và nhiều số liệu khác có liên quan đến mục tiêu chính là cơ sở để đưa ra những quyết định tiếp thị quan trọng.

Ví dụ, những số liệu về sự phản hồi của khách hàng đối với thông điệp của DN (số lần mở đường dẫn, số lần nhấp chuột), mức độ nhận biết (lưu lượng truy cập website, thời gian ở lại trang), chi phí chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng thành người mua hàng, kết quả bán hàng (sản phẩm và doanh thu)... đều góp phần phục vụ cho mục tiêu thu hút khách hàng.

4. Hiểu rõ chất lượng của dữ liệu. DN phải tự tin khi sử dụng dữ liệu để đưa ra những quyết định mang tính chiến lược. Và để đánh giá chất lượng dữ liệu, DN phải dựa vào nguồn dữ liệu, thời điểm thu thập cũng như độ chính xác của chúng. Nếu sử dụng những "dữ liệu rác" hoặc những dữ liệu chưa được phân tích, tổng hợp đầy đủ thì những kết quả hoặc dự báo được đưa ra dựa trên những dữ liệu này đều không đáng tin cậy.

5. Đo lường thường xuyên. DN nên thường xuyên đưa ra và tận dụng các chỉ số KPI và các số liệu có liên quan đến mục tiêu tiếp thị. Những kết quả được báo cáo liên tục giúp DN dễ dàng nắm bắt những xu hướng và cơ hội mới. Dữ liệu mỗi DN tạo ra đều mang tính độc nhất và trở thành lợi thế cạnh tranh cho chính DN đó.

6. Tìm hiểu ý nghĩa của dữ liệu. Đi đến bước này, DN đã có thể chứng kiến thành quả của cả quá trình từ lập kế hoạch đến báo cáo và phân tích dữ liệu. Việc thấu hiểu ý nghĩa của việc đo lường đòi hỏi kỹ năng, tư duy phê phán. Chủ DN hoặc người làm tiếp thị phải hiểu rõ về DN, những mục tiêu đã đề ra và những kết quả số liệu đem lại. Không ai có thể thay thế họ làm việc này.

7. Đồng thời, chủ DN hoặc nhà tiếp thị cũng phải có tầm nhìn xa.Chẳng hạn, dựa vào dữ liệu có thể thấy khách hàng có nhiều phản ứng tích cực với các chiến lược giá ưu đãi. Vậy DN có nên tiếp tục đưa ra giá ưu đãi để thu hút thêm khách hàng? Đối với DN nhỏ, việc hạ giá liên tục không phải là lựa chọn khôn ngoan. Do đó, việc kiểm tra kỹ lưỡng đối với các yếu tố khác cùng góp phần tạo ra kết quả dữ liệu đó có thể dẫn đến những quyết định khác hợp lý và hiệu quả hơn.

8. Lặp đi lặp lại quá trình phân tích, tổng hợp. Dựa trên những thông tin dữ liệu đã phân tích, tổng hợp, DN quy mô nhỏ có lợi thế là khả năng nắm bắt cơ hội một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn so với các DN lớn. Việc lặp đi lặp lại quá trình này giúp liên tục tiến bộ trong việc định hướng dữ liệu, từ đó tạo ra kết quả kinh doanh ngày càng khả quan.

BÍCH TRÂM (theo Entrepreneur)

UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”

Bí quyết ứng dụng hiệu quả Khung Mô hình kinh doanh

Khung Mô hình kinh doanh (Business Model Canvas) được 2 tác giả Alexander Osterwalder và Yves Pigneur cùng 470 cố vấn, doanh nhân từ 45 quốc gia khởi xướng trong cuốnBusiness Model Generation (tựa tiếng Việt: Tạo lập Mô hình Kinh doanh) và đã được giới kinh doanh thế giới công nhận là một công cụ thiết thực giúp tạo nên một mô hình kinh doanh bằng hình ảnh.

Mô hình kinh doanh này được xem như điểm khởi đầu, thể hiện cách tạo dựng doanh nghiệp như thế nào cũng như cách nó sẽ mang lại giá trị cho khách hàng ra sao, tạo tiền đề cho doanh nhân tiến tới bước tiếp theo là xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Khung Mô hình kinh doanh bao gồm 9 thành tố cơ bản, cho thấy tính logic trong cách một công ty theo đuổi mục tiêu gặt hái lợi nhuận:

1. CS (Customer Segment - Phân khúc khách hàng): Xác định những tập hợp cá nhân hay tổ chức khác nhau mà doanh nghiệp tiếp cận và phục vụ

2. VP (Value Propositions - Giải pháp giá trị): Mô tả gói sản phẩm và dịch vụ mang lại giá trị cho một phân khúc khách hàng cụ thể

3. CH (Channels - Các kênh kinh doanh): Diễn tả cách thức một công ty giao thiệp và tiếp cận các phân khúc khách hàng của mình nhằm chuyển đển họ một giải pháp giá trị

4. CR (Customer Relationships - Quan hệ khách hàng): Diễn tả các hình thức quan hệ mà một công ty thiết lập với các phân khúc khách hàng cụ thể

5. RS (Revenue Streams - Dòng doanh thu): Phản ánh lượng tiền mặt mà một công ty thu được từ mỗi phân khúc khách hàng (các chi phí phải được khấu trừ khỏi doanh thu để tạo ra thu nhập)

6. KR (Key Resources - Nguồn lực chủ chốt): Mô tả những tài sản quan trọng nhất cần có để vận hành một mô hình kinh doanh

7. KA (Key Activities - Hoạt động trọng yếu): Mô tả những việc quan trọng nhất mà một công ty phải làm để vận hành mô hình kinh doanh của mình

8. KP (Key Partnerships - Các đối tác chính): Mô tả mạng lưới bao gồm các nhà cung cấp và đối tác mà nhờ đó mô hình kinh doanh có thể vận hành

9. CS (Cost Structure - Cơ cấu chi phí): Mô tả mọi chi phí phát sinh để vận hành một mô hình kinh doanh
Khung Mô hình kinh doanh được hiển thị dưới dạng hình ảnh trực quan. Nguồn: Trategyzer


Theo GS. Bùi Xuân Tùng – Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh cao cấp Việt Nam của Trường Kinh doanh Shidler, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu APEC của Đại học Tổng hợp Hawaii (Hoa Kỳ), đồng thời là bạn thân với tác giả Alexander Osterwalder, Khung Mô hình kinh doanh này là một công cụ giúp doanh nhân biến những ý tưởng còn mơ hồ thành một bức tranh rõ ràng, dễ hiểu.

"Việc sử dụng Khung Mô hình đòi hỏi phải có sự linh hoạt thay đổi cho phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động cũng như nhu cầu, văn hóa của doanh nghiệp. Chẳng hạn, một công ty sản xuất dược phẩm với đặc thù xem trọng bí quyết nghề nghiệp, khi tạo ra một giải pháp mang tính đột phá, họ phải bảo mật thông tin tối đa với bên ngoài, do đó, thành tố Đối tác trở nên không quan trọng. Ngược lại, đối với mô hình kinh doanh như Uber, đối tác - các tài xế, người có xe ô tô – lại mang ý nghĩa sống còn với họ", GS. Tùng cho biết.

Chia sẻ về cách tiếp cận hiệu quả Khung Mô hình kinh doanh, ông Nguyễn Bá Ngọc – Chủ tịch Công ty CP Truyền thông NBN Media cho rằng, để hiểu rõ hơn về Khung Mô hình kinh doanh, chúng ta có thể thử áp dụng trước với một thương hiệu bất kỳ đang dẫn đầu thị trường. Bằng cách điền tất cả thông tin về 9 thành tố cơ bản trong Khung Mô hình kinh doanh, chúng ta sẽ phần nào biết được lý do vì sao họ thành công.
Ứng dụng Khung Mô hình kinh doanh vào Công ty CP Nghiên cứu thị trường GCOMM

Từ khi bắt đầu khởi nghiệp đến nay đã 5 năm nhưng ông Trần Hùng Thiện - CEO Công ty CP Nghiên cứu thị trường GCOMM - cho biết chỉ vừa mới hoàn thành xong mô hình kinh doanh hoàn chỉnh cho Công ty nhờ ứng dụng Khung Mô hình kinh doanh, vì thao tác này tưởng như đơn giản nhưng tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Ông Thiện chia sẻ: “Khi mới kinh doanh, gần như tôi không có thời gian để đầu tư cho việc xác định rõ ràng những thành tố cơ bản trong Khung Mô hình kinh doanh, thay vào đó, tôi chỉ tập trung cho chuyện “cơm áo gạo tiền” là chính. Cho đến lúc này, nhờ nhận được nhiều sự tư vấn, tôi mới có thể thực hiện xong một Business Model Canvas hoàn chỉnh cho GCOMM. Mô hình này giống như một tài sản vô giá của Công ty vậy".

Theo Bích Trâm/DNSG

UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”

Facebook thay đổi thuật toán: Rủi ro cho ai?

Ngày 29/6 vừa qua, Facebook chính thức công bố kế hoạch thay đổi thuật toán của mình, cụ thể bằng việc những bài đăng có nội dung từ người thân, bạn bè của bạn sẽ được ưu tiên xuất hiện trên News Feed của bạn hơn là những bài đăng từ các Pages (trang – loại tài khoản dành cho doanh nghiệp, ví dụ trangBusiness Insider, Oreo…), các bài báo, video quảng cáo…


Thay đổi tất yếu hay "canh bạc" của Mark Zuckerberg?

Với nhiều người, việc Facebook phải thay đổi là tất yếu, vì thời gian gần đây, số lượng nội dung cá nhân do các thành viên của mạng xã hội này chia sẻ giảm mạnh và họ cảm thấy mệt mỏi khi News Feed của mình tràn ngập hình ảnh từ các doanh nghiệp, trang tin, quảng cáo…, ngày càng ít không gian dành cho các nội dung mang tính cá nhân. Tuy nhiên, Jillian D’Onfro, cây bút của tờ Business Insider gọi việc thay đổi thuật toán mới này của Facebook là một “canh bạc” của Mark Zuckerberg. Bởi với việc thay đổi thứ tự ưu tiên như vậy, cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận được khách hàng tiềm năng sẽ khó khăn hơn.

Ví dụ dễ thấy nhất là việc trước đây, nếu bạn bè hoặc người thân trong danh sách “bạn bè” (Friends) của bạn “like” hay “comment” một bức ảnh, một dòng thông tin nào, thì việc này sẽ xuất hiện trên News Feed của bạn hoặc xuất hiện trên nút nhớ (notification), thì từ đầu năm 2016, việc này đã hoàn toàn bị Facebook xóa sổ khỏi News Feed, và tương lai sẽ còn “khó khăn” hơn nữa.

Điều này có thể khiến doanh thu của Facebook sụt giảm, bởi tính từ năm 2012 tới nay, 80% doanh thu của Facebook đều đến từ việc bán quảng cáo cho doanh nghiệp.

Giải thích cho quyết định có phần rủi ro này, Facebook đã nêu ra ba lý do:

  • Thứ nhất, Mark Zuckerberg cùng đội ngũ của mình muốn biến Facebook thành một nơi gần gũi hơn, bằng sự xuất hiện thường xuyên hơn những thông tin, bài đăng, hình ảnh… của bạn bè và những người thân của bạn.
  • Thứ hai, Facebook hướng tới việc trở thành một nơi cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người dùng. Chỉ những thông tin cần thiết và giá trị chứ không ngập tràn thư rác, tin nhắn rác, nội dung vô bổ.
  • Cuối cùng, Facebook sẽ là một nơi giải trí lành mạnh, một nơi chia sẻ những bài đăng, những tấm hình, những video vui vẻ, hài hước và ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của mỗi cá nhân.

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp

Nha sĩ Edward Zuckerberg (bố của Mark Zuckerberg) được mọi người ở California gọi là “bác sĩ Z không đau đớn”. Không cần sự giúp đỡ của người con trai, Edward đã tạo nên thương hiệu này của mình chỉ đơn giản nhờ hai việc.

Đầu tiên, ông kêu gọi mọi người hãy “like” trang Facebook của ông: Edward Zuckerberg D.D.S., F.A.G.D, sau đó ông email cho họ để khuyến khích vào trang Facebook của mình nhằm hiểu rõ hơn về phòng khám, các thông tin, công nghệ mới ông đang áp dụng. Từ năm 2011 đến nay, riêng trên trang Edward Zuckerberg D.D.S., F.A.G.D, Edward đã đón tiếp ít nhất 1.260 lượt bệnh nhân thông qua 1.260 bài đánh giá (theo quyển Likeable Social Media của Dave Kerpen).

Tính đến giữa tháng 5/2016, nước ta có hơn 30 triệu người dùng Facebook (tương đương một phần ba dân số). Mỗi ngày có khoảng 20 triệu người tương tác với Facebook và thời gian mỗi người trung bình bỏ ra để sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này là 2,5 giờ.

Độ tuổi người dùng chủ yếu (chiếm ba phần tư) là từ 18-24 (theo công bố của Facebook). Đây rõ ràng là một thị trường siêu tiềm năng và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, vì vậy cơ hội kinh doanh dành cho doanh nghiệp khi sử dụng công cụ Facebook là không hề nhỏ. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thuật toán của Mark Zuckerberg sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Dave Kerpen, tác giả quyển sách Likeable Social Media nhận giải thưởng “Sách quốc gia Hoa Kỳ 2011”, đã lưu ý doanh nghiệp hai điểm quan trọng nếu muốn sử dụng Facebook làm nơi gửi gắm thông điệp, hình ảnh, thương hiệu của mình đến khách hàng:

Bạn là gì?

Sử dụng chiêu giảm giá, khuyến mãi, tặng quà… luôn là những cách cũ nhưng vẫn hiệu quả trong ngắn hạn để kêu gọi khách hàng “like” (lượng like thực, một số công ty hiện nay có dịch vụ tăng “like” ảo, tuy nhiên đây là con dao hai lưỡi, bởi nếu Facebook phát hiện, trang của doanh nghiệp bạn có thể bị Facebook khóa vĩnh viễn) và tương tác trên trang của doanh nghiệp sẽ không còn.

Tuy nhiên trong dài hạn, với thuật toán mới của Facebook, việc “like” thôi là chưa đủ. Doanh nghiệp cần “tương tác” để bài đăng trên trang của mình xuất hiện thường xuyên trên News Feed của khách hàng. Bạn phải trả lời được câu hỏi, tại sao khách hàng “like” trang Facebook của bạn? Bạn sẽ mang đến cho họ những giá trị gì?

Lúc này đội ngũ marketing của doanh nghiệp sẽ phải ngồi lại, nghiên cứu từng khách hàng một, theo dõi sở thích, thói quen của họ để xây dựng một danh sách những bài đăng phù hợp. Nếu không, bạn sẽ phải đốt hàng núi tiền một tháng để bài viết của mình tới được với khách hàng chứ chưa nói đến việc khách hàng nhớ đến doanh nghiệp.

Đừng im lặng, đừng xóa

Khi một khách hàng đưa lên một bình luận không tốt về doanh nghiệp của bạn trên Facebook, bạn sẽ làm gì?

Theo Dave Kerpen, khi đã sử dụng Facebook Marketing, bạn cần chuẩn bị tâm lý sẽ phản hồi tất cả mọi điều khách hàng nói, từ lời khen tặng đến lời chửi mắng, chỉ cần đó là những việc liên quan đến doanh nghiệp bạn.

Sự im lặng hay xóa, trong bất cứ tình huống nào, đều đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang nói với khách hàng, những người đang cực kỳ thích thú hay cực kỳ tức giận về thương hiệu của mình, rằng: “Mặc kệ bạn, chúng tôi đã nghe, đã đọc và đã hiểu vấn đề, nhưng chúng tôi… không quan tâm”.

Phạm Tú/DNSG
UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”

4 kỹ năng mềm của doanh nhân thành công

Thành công không chỉ là đích đến mà là cả một quá trình. Để trở thành một doanh nhân giỏi, các kỹ năng mềm dưới đây rất hữu ích với bạn.

1. Lắng nghe: Vũ khí giao tiếp bí mật

Nhiều người cho rằng, khả năng giao tiếp tốt vô cùng quan trọng. Nhưng họ không biết, hầu hết các nhà truyền thông đều làm tốt việc mà rất nhiều người từng thất bại đó là: Biết lắng nghe.

Cách dễ dàng nhất để xây dựng lòng tin với người khác là thể hiện sự quan tâm đến họ. Và cách thực hiện điều này là hãy lắng nghe nhiều hơn. Người biết lắng nghe thường không suy nghĩ về những điều họ sẽ nói mà về những câu hỏi khơi gợi tiếp theo.

Ví dụ, "Hãy nói cho tôi biết thêm về điều đó được không?" thực sự là điểm cộng lớn trong mắt đối tác của bạn.

2. Hãy trách nhiệm: Dám nói, dám làm, dám chịu

Khi bạn làm sai, đừng bào chữa, cố tình bỏ qua hay đổ lỗi cho người khác. Thay vào đó, hãy chịu trách nhiệm và tự rút ra bài học cho lần sau.

Cũng như khi tham gia vào một dự án, nếu là người có trách nhiệm, bạn sẽ theo đuổi đến cùng, khi chắc chắn mọi việc được hoàn thành mà không có sai sót nào.

3. Tư duy sáng tạo: Xoay sở từ những gì mình có

Tư duy sáng tạo là tìm cách để giải quyết vấn đề với nguồn lực hạn chế. Người đầu bếp chính là một ví dụ tuyệt vời về khái niệm này.

Giả sử để chế biến được món ăn A, người đầu bếp cần phải có 10 loại nguyên liệu, nhưng vì một lí do nào họ chỉ có 7 loại trong số chúng. Liệu người này có để cho khách hàng nhịn đói hay thay đổi món ăn khác không? Không, một đầu bếp chuyên nghiệp sẽ tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách dùng sự sáng tạo của mình để nấu món A chỉ với 7 nguyên liệu hiện có.

Những sáng tạo vĩ đại nhất thường được tạo ra bởi áp lực và từ đó biến nhược điểm thành ưu thế. Hãy tập trung vào những gì mình có và sau đó tạo ra sự khác biệt.

4. Cảm thông: Bước ra bên ngoài để kết nối bên trong

Dành thời gian tham gia vào các nhóm, tổ chức để có những trải nghiệm, từ đó bạn mới phát triển và xây dựng đức tính cảm thông. Bạn có thể tham gia các hoạt động tình nguyện, các khóa học, làm việc với các dự án phụ, tham dự các hội nghị hoặc các sự kiện văn hóa...

Khi làm điều này, chúng ta hiểu cách kết nối với người khác, nhìn nhận sự việc từ nhiều khía cạnh khác nhau. Từ đó áp dụng vào công việc, bạn sẽ cảm thấy làm việc nhóm thật tuyệt vời vì có thể thấu hiểu quan điểm đối phương.

NGUYỄN NGUYỄN (theo Business)/Trí thức trẻ

UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”

7 sai lầm đang âm thầm giết chết sự nghiệp của bạn

Có rất nhiều điều có thể giết chết sự nghiệp của một người giỏi giang, chăm chỉ.


Tháng trước Talia Jane, nhân viên của Yelp trở thành chủ đề hot trên Internet khi viết một bài phê phán về CEO và mức lương thấp của công ty. Chẳng ai ngạc nhiên khi sau đó cô ấy nhanh chóng bị sa thải.

Một khảo sát gần đây của VitalSmarts chỉ ra rằng có 83% người đã từng chứng kiến một người nào đó gây ra những sai lầm gây hậu quả thảm khốc cho sự nghiệp, danh tiếng hoặc doanh nghiệp. 69% thừa nhận rằng họ từng có những sai lầm gây ảnh hưởng đến sự nghiệp của chính mình:

- 31% nói rằng sai lầm khiến họ mất cơ hội thăng tiến, tăng lương, thậm chí là công việc.

- 27% nói rằng sai lầm giết chết mối quan hệ làm ăn của họ.

- 11% nói rằng sai lầm hủy hoại danh tiếng của họ.

Những con số này chỉ ra mức thiệt hại bạn có thể gặp phải nếu không cẩn trọng. Tuy vậy, bạn có thể kiểm soát tất cả những điều này trước khi chúng có thể hủy hoại sự nghiệp của bạn bằng cách tránh 7 sai lầm sau:

1. Hứa thật nhiều nhưng làm được chẳng bao nhiêu

Có thể bạn từng hứa hẹn với đồng nghiệp và khách hàng của mình, đặc biệt khi bạn nghĩ mình có thể thực hiện được. Bạn hứa với một ai đó và rồi bạn hơi chậm trễ một chút, bạn có thể vẫn nghĩ mình làm tốt vì chỉ trễ hẹn chút xíu.

Nhưng vào thời điểm bạn hứa một điều gì với ai đó, họ sẽ kỳ vọng chính xác như vậy. Điều này thật đáng xấu hổ vì nếu ngay từ đầu bạn biết thiết lập những kế hoạch thì bạn đã có thể hoàn thành đúng tiến độ với kết quả tốt nhất.

2. Tự mãn

Đã từ bao giờ bạn không còn chủ động học thêm kỹ năng mới, mở rộng mối quan hệ hay làm mới lý lịch của mình. Nếu bạn không thể nhớ được thì chắc chắn bạn đang tự mãn với bản thân mình.

Thực sự thì tự hài lòng với bản thân chính là "kẻ sát nhân" giết chết sự nghiệp của bạn. Có vẻ bạn đang giả định rằng mọi thứ sẽ không hề thay đổi. Nhưng sự thật là sự thay đổi là không hề tránh khỏi. Nếu bạn luôn học hỏi những điều mới hay biết mở rộng mối quan hệ của mình, bạn sẽ luôn sẵn sàng đón nhận bất cứ điều gì xảy ra.

3. Sợ thay đổi

Sợ thay đổi là cặp bài trùng đáng sợ của sự tự mãn. Chắc hẳn bạn đã từng nghe ai đó nói: "Nhưng chúng ta vẫn luôn làm theo cách này".

Trong một cuộc khảo sát, 91% người trả lời rằng những nhân viên thành công nhất là người có thể thích nghi với môi trường làm việc thay đổi.

Sự thay đổi là một phần cuộc sống của chúng ta, dù bạn có nghĩ nên thay đổi hay thích những cách cũ đi chăng nữa. Bạn không cần phải học cách yêu thích sự thay đổi, hãy bắt đầu học cách để thích nghi với chúng.

4. Có cái tôi quá lớn

Bạn đã từng làm việc với những người đạt được nhiều thành công liên tiếp và nghĩ rằng họ là người thành công nhất chưa? Thành công là điều vô cùng tuyệt vời, nó giúp thúc đẩy sự nghiệp của bạn.

Vấn đề ở chỗ là bạn quá lưu tâm đến vấn đề này. Bạn bắt đầu nghĩ rằng thành công là mãi mãi và bạn xứng đáng với điều đó. Đừng bao giờ bằng lòng và yên tâm ngủ quên với chiến thắng. Khi bạn nghĩ rằng mình là người tốt nhất, bạn đang tự đẩy mình vào thất bại đau đớn.

5. Tiêu cực

Đôi khi bạn có những suy nghĩ tiêu cực, tâm trạng của bạn thể hiện ra bên ngoài và ảnh hưởng đến những người khác, ngay cả khi bạn không dự định làm thế.

Bạn được thuê để giúp công việc của sếp và mọi người trong nhóm dễ dàng hơn chứ không phải khó khăn hơn. Những người suy nghĩ tiêu cực và hay phàn nàn thường khiến mọi việc trở nên phức tạp.

Nếu mọi người đang phải né tránh để không gây hấn với bạn thì bạn cũng nên chú ý lại thái độ, hành động của mình.

6. Chỉ số EQ thấp

Tất cả mọi người đều biết bạn có thể bị sa thải nếu không thể hay không muốn cư xử tốt với những đồng nghiệp khác. Nhưng thực tế thì nhiều người rất kém trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình.

Bạn không nên bộc lộ cảm xúc quá rõ để mọi người đều biết lúc nào bạn buồn chán, tức giận hay thái độ coi thường người khác. Bộc phát cảm xúc, coi thường người khác hay thể hiện thái độ khi đồng nghiệp đang nói chuyện, nhận thức thấp... rất nhiều vấn đề khác gọi chung là trí thông minh cảm xúc (EQ) thấp sẽ gây hại cho sự nghiệp của bạn.

7. Nịnh sếp

Nịnh không phải là cách xây dựng mối quan hệ trên tinh thần tôn trọng, đó là sự lén lút và lừa lọc. Đừng cố nâng tầm cái tôi của sếp để nhận sự chiếu cố của họ. Điều này không công bằng với các đồng nghiệp đang cố gắng làm việc. Có thể bạn muốn có mối quan hệ tốt đẹp với sếp, nhưng đừng ngầm phá hoại đồng nghiệp của mình.

Rất nhiều người nghĩ rằng chỉ những sai lầm nghiêm trọng mới có thể hủy hoại sự nghiệp của mình, nhưng thực tế thì chỉ cần những sai lầm nhỏ cũng có thể gây những thất bại lớn trong sự nghiệp.


MAI LÂM (theo Entrepreneur)/Trí thức trẻ

UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”