Tìm hiểu về xu hướng mới trong dịch vụ khách hàng

Trong tương lai, chất lượng dịch vụ khách hàng của một công ty sẽ được đánh giá bởi số cuộc điện thoại gọi đến các trung tâm chăm sóc khách hàng. Và bằng việc thực hiện các biện pháp dự đoán và ngăn ngừa những vấn đề rắc rối mà khách hàng có thể gặp phải, công ty có thể giảm được đáng kể số cuộc gọi này.

Giải quyết vấn đề của khách hàng bằng cách chuyển cuộc gọi của họ cho một nhân viên dịch vụ khách hàng không có năng lực giải quyết vấn đề mà chỉ ghi nhận lại than phiền của khách hàng sẽ dần dần được thay thế. Đằng sau sự thay đổi ấy là sự hỗ trợ đắc lực của các kỹ thuật phân tích dữ liệu.

Có thể thấy rõ xu hướng này tại Nimble Storage, một công ty cung cấp các giải pháp lưu trữ thông tin có trụ sở tại San Jose, California, Mỹ.

“Bộ phận dịch vụ khách hàng tại công ty chúng tôi dành ra đến 90% thời gian để thông báo cho khách hàng những vấn đề mà họ có thể gặp phải thay vì làm những công việc của một trung tâm chăm sóc khách hàng truyền thống. Chúng tôi đã giảm bớt được 50% số lượng cuộc gọi đến của khách hàng ngay sau khi áp dụng phương thức dự báo các vấn đề của khách hàng”, Rod Bagg, Phó chủ tịch phụ trách bộ phận Phân tích và Hỗ trợ khách hàng của Nimble Storage chia sẻ.

Bagg cho rằng đằng sau sự thay đổi ấy là tầm nhìn của những người sáng lập công ty trong vấn đề dịch vụ khách hàng. Bagg và người đồng sáng lập của Nimble Storage muốn thu thập thật nhiều dữ liệu về khách hàng ngay từ đầu để hỗ trợ cho việc phân tích, dự báo những vấn đề rắc rối khách hàng có thể gặp phải và hỗ trợ khách hàng hiệu quả sau này.

Dưới đây là những kinh nghiệm được rút ra từ mô hình làm dịch vụ khách hàng của Nimble Storage.

Phân tích dữ liệu không thể loại bỏ hoàn toàn chức năng của dịch vụ khách hàng. Mặc dù việc phân tích dữ liệu và dự báo các vấn đề khó khăn của khách hàng có thể giúp giảm đáng kể số cuộc gọi đến của khách hàng, nhưng Nimble Storage cũng nhìn nhận rằng công nghệ chưa thể thay thế hoàn toàn con người.

“Sẽ luôn có những vấn đề khó khăn của khách hàng mà chúng tôi không thể dự đoán hết. Cũng vì lý do này mà chúng tôi bố trí các kỹ sư cấp 3 giải quyết các vấn đề của khách hàng ngay từ cuộc gọi đầu tiên của họ”, Bagg giải thích.

Ở Nimble Storage, bất cứ khi nào một khách hàng gặp phải một vấn đề nào đó, sẽ được kỹ sư cấp 3 giải quyết ngay. Đây chính là điểm khác biệt lớn so với cách làm của các trung tâm dịch vụ khách hàng truyền thống vốn chỉ ghi nhận lại các vấn đề của khách hàng hoặc chuyển tiếp cuộc gọi của họ nhiều lần cho những nhân sự chưa chắc có thể giải quyết được vấn đề của họ.

Kế đến, các kỹ sư cấp 3 phải ghi nhận lại vấn đề mà khách hàng đang gặp và chia sẻ cho cả nhóm để từ đó dự báo những khách hàng có đặc thù nào sẽ gặp vấn đề tương tự trong tương lai. Tiếp theo, các nhân viên của bộ phận hỗ trợ khách hàng sẽ chủ động liên hệ với những khách hàng này để khuyến nghị các giải pháp ngăn ngừa trước khi vấn đề phát sinh.

“Chẳng hạn, một khách hàng của chúng tôi đã cập nhật một phần mềm không tương thích với một ứng dụng nào đó trong hệ thống phần mềm của thiết bị. Khi đó, chúng tôi không chỉ giải quyết vấn đề cho vị khách hàng ấy mà còn có thể dự báo rằng sẽ có khoảng 100 khách hàng khác cũng có thể bị ảnh hưởng và chủ động khuyến cáo họ không nên cài đặt phần mềm này thay vì đưa ra thông báo gợi ý họ cập nhật phần mềm”, Bagg giải thích thêm.

Tăng hiệu quả phát triển và giữ lại khách hàng. Các công ty thường gặp khó khăn trong việc tìm hiểu chính xác những lý do khiến một khách hàng triển vọng chọn doanh nghiệp của mình thay vì các đối thủ cạnh tranh. Nhưng Nimble Storage đã phát hiện ra rằng khi khách hàng nhận thấy doanh nghiệp luôn có một hệ thống sẵn sàng dự báo những khó khăn họ có thể gặp phải và chủ động đưa ra giải pháp ngăn chặn hay khắc phục trước khi các vấn đề phát sinh thì họ có khuynh hướng muốn giao dịch với doanh nghiệp.

Ngoài lợi ích nói trên, đội ngũ nhân viên bán hàng của doanh nghiệp còn có thể giải phóng bớt thời gian phục vụ khách hàng. Bởi vì, thông thường, khi vấn đề không được đội ngũ dịch vụ khách hàng giải quyết thỏa đáng, khách hàng sẽ tìm đến các nhân viên bán hàng như là đầu mối liên hệ chính. Với cách làm dịch vụ như của Nimble Storage, đội ngũ bán hàng có thể dành nhiều thời gian cho việc tìm kiếm những thương vụ mới và phát triển kinh doanh.

Bên cạnh đó, khách hàng của Nimble Storage cũng không phải mất quá nhiều thời gian cho việc xử lý các vấn đề kỹ thuật, từ đó tập trung hơn vào những dự án lớn cho công ty của mình. Đây cũng chính là mấu chốt để Nimble Storage có được những khách hàng trung thành và ủng hộ phương thức chăm sóc khách hàng chủ động mà công ty đang áp dụng.

Đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tích cực. Các trung tâm dịch vụ khách hàng truyền thống thường cố gắng mở ra nhiều kênh đối thoại với khách hàng, từ điện thoại, thư điện tử, tin nhắn đến truyền thông xã hội và phòng “chat” trực tuyến. Nhưng cách làm của Nimble đang mở ra một xu hướng mới. Đó là hạn chế tương tác với khách hàng qua các kênh này, thay vào đó là phương thức chủ động phân tích, dự báo và khuyến nghị khách hàng ngăn ngừa các vấn đề phát sinh.

Mục tiêu của Nimble Storage là tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách hàng cho dù họ nhận được thông báo hỗ trợ chủ động từ bộ phận chăm sóc khách hàng hoặc là đang trao đổi với một kỹ sư cấp 3 của bộ phận này để giải quyết một vấn đề cụ thể. Khách hàng chắc chắn sẽ rất hài lòng khi được trao đổi với một người có kinh nghiệm, hiểu rõ vấn đề của họ và giúp họ giải quyết vấn đề ấy ngay sau cuộc gọi đầu tiên.

Theo DNSG.

UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”

9 loại nhân viên và cách quản lý hiệu quả

Trên cương vị một nhà lãnh đạo, bạn cần hiểu rõ những người làm việc cho mình và cách giúp cho họ tỏa sáng.

Các nhà lãnh đạo tốt đều biết rằng nếu muốn nhân viên của mình đạt hiệu quả tốt nhất, thì trước hết họ cần được tạo động lực đúng đắn. Quả thật, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng các nhân viên được trao đổi nhiều với lãnh đạo sẽ có hơn 50% khả năng vượt qua chỉ tiêu của họ.

Nhiều bằng chứng khác cũng cho thấy cảm giác thành công và hạnh phúc của con người được hình thành khi các động lực cá nhân được đáp ứng, chứ không nhất thiết phải là tiền bạc.

Bản thân mỗi người đều có một nhóm các động lực cá nhân riêng, nhưng tựu chung thì theo chuyên gia tâm lý James Sale có thể chia các nhân viên của bạn ra thành 9 loại khác nhau. Bằng cách xác định nhân viên nào gần với loại người nào nhất, bạn sẽ có thể giúp đỡ họ tốt hơn.

1. Cận vệ

Nhóm này thích tìm kiếm sự an toàn và ổn định. Họ thích các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định với các vị trí rõ ràng, họ thích một trật tự được lập sẵn và con đường thăng tiến rõ ràng.

Điều nhà lãnh đạo cần làm là giao tiếp thật nhiều với các nhân viên trong nhóm này. Bạn có thể cung cấp cho họ những tin tức tốt về doanh nghiệp, và cho họ biết tình hình chung của công ty là như thế nào.

Hãy nhớ rằng việc được cung cấp thông tin chính xác và thường xuyên như vậy sẽ tạo động lực cho họ rất nhiều, dù là qua những cuộc họp định kỳ hay chỉ là email thông báo.

Nhóm này muốn có sự liền lạc và nhất quán từ cấp trên. Hãy cho họ biết những gì bạn mong đợi từ họ, cho họ thấy việc đạt mục tiêu đi kèm với sự an toàn trong sự nghiệp, và hỗ trợ họ thông qua các giai đoạn thay đổi. Từ đó, hãy khen thưởng, đánh giá cao sự trung thành và tin tưởng của họ.

2. Bạn bè

Những nhân viên ở nhóm này tìm kiếm các mối quan hệ thân thiết và tình bạn. Họ thích những tổ chức có tinh thần tập thể mạnh mẽ, các hoạt động xã hội tuyệt vời và được tiếp cận nhiều cơ hội để giúp đỡ người khác.

Họ được động viên khi được hỗ trợ, được lắng nghe và được tham gia vào các hoạt động xung quanh. Họ thích các sự kiện xã hội và một nền văn hóa doanh nghiệp chú trọng vào con người.

Họ cũng sẽ rất cảm kích nếu bạn sẵn sàng đứng ra bảo vệ họ khi cần thiết. Bạn nên thường xuyên hỏi họ "Các bạn nghĩ gì về điều X?" và cho thấy là bạn tin tưởng họ.

3. Ngôi sao

Những người này tìm kiếm sự công nhận, tôn trọng và địa vị xã hội. Họ thích các đặc quyền có thể dễ dàng nhìn thấy được, vị trí nổi bật và cơ hội để tỏa sáng.

Hãy thúc đẩy họ bằng các giải thưởng và địa vị. Hãy đưa họ tham gia vào các dự án quan trọng, mang lại cho họ cơ hội phát triển nghề nghiệp rõ ràng và thường xuyên xem xét việc thực hiện chỉ tiêu của họ.

Đây là nhóm đối tượng thường xuyên đưa ra các phản hồi tích cực và yêu thích sự chú ý, do đó khi họ đạt được một mục tiêu đầy tham vọng nào đó, hãy nhớ thưởng cho họ một cách công khai.

4. Đốc công

Những người này yêu thích quyền lực, sự ảnh hưởng và việc kiểm soát người khác. Họ thích nhận vai trò quản lý hoặc lãnh đạo với trách nhiệm rõ ràng, cụ thể và họ cũng ưa thích các triển vọng tiến xa hơn trong nghề nghiệp.

Bạn nên giao cho họ nhiều trách nhiệm và sức ảnh hưởng, giới thiệu cho họ một người huấn luyện tốt, và đưa cơ hội để họ có thể đóng trọn vai trò. Hãy cung cấp cho họ một chức vụ phản ánh quyền lực, và bạn cũng có thể đào tạo hoặc huấn luyện nhiều hơn để giúp họ đạt được sự bứt phá.

5. Xây gia tài

Nhóm này luôn tìm kiếm tiền bạc và lợi ích vật chất để đảm bảo duy trì cuộc sống trên mức trung bình. Họ thích có sự đi đôi liền mạch giữa năng lực và phần thưởng.

Đây là đối tượng nhân viên dễ dàng bị thúc đẩy bởi tiền bạc và vật chất. Họ sẽ tràn đầy sinh lực nếu có con đường thăng tiến rõ ràng, được đánh giá tiến độ thường xuyên, và nhận được thêm trách nhiệm.

Bạn cần mang lại cho có các mục tiêu rõ ràng và hãy gắn liền chúng với các phần thưởng, đặc biệt là tài chính. Thêm vào đó, hãy cổ vũ tinh thần cạnh tranh của họ bằng các trò chơi, hoạt động thể thao và các cuộc thi: tất cả những thứ đó cũng sẽ giúp bạn đẩy mạnh tinh thần làm việc của họ.

6. Chuyên gia

Các nhân viên này luôn tìm tòi kiến ​​thức và thích làm chủ chuyên môn. Họ thích các vị trí đòi hỏi kiến ​​thức và kỹ năng chuyên môn.

Nhóm này thích những môi trường mà trong đó năng lực cá nhân đi kèm với sự công nhận. Họ muốn có cơ hội để chia sẻ chuyên môn của mình, đặc biệt là về những gì mà họ quan tâm.

Họ thích những mục tiêu nhiều tham vọng, và thích trở thành hướng dẫn hoặc cố vấn cho những người khác. Bạn nên khuyến khích họ giao lưu với các chuyên gia khác và tiếp tục đẩy mạnh chuyên môn của mình.

7. Nhà phát minh

Nhóm này luôn chạy theo sự đổi mới, sáng tạo và các cơ hội. Họ thích giải quyết vấn đề, tư duy theo nhiều góc cạnh; họ tìm thấy chính mình trong các công ty sáng tạo với môi trường đầy thách thức.

Hãy dẫn họ đến với những ý tưởng, đem lại cho họ những vấn đề cần gỡ rối hay các dự án cần đến sự độc đáo. Hãy khen thưởng các ý tưởng sáng tạo đến từ họ.

Tránh đặt nhóm người này trong cùng một vai trò quá lâu, vì họ dễ dàng chán và nhanh chóng mất động lực. Hãy “xốc tung” văn phòng của bạn và tạo ra những không gian cho họ thỏa sức sáng tạo.

8. Nghệ sĩ

Những nhân viên kiểu này yêu thích sự tự do, độc lập và tự chủ. Họ lựa chọn những vị trí tự do để có thể kiểm soát thời gian riêng của mình, để đưa ra quyết định của riêng mình và tự do hành động.

Bạn có thể khuyến khích họ bằng cách chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu của công ty, ủy thác trách nhiệm và cho phép họ làm việc độc lập. Những hạn chế, quy tắc hay thủ tục rườm rà có thể khiến họ chán nản, vì nhóm này ghét sự quan liêu.

Hãy rõ ràng và cụ thể về mục tiêu của họ; tránh việc quản lý theo kiểu chỉ tay từng chút một. Thay vào đó, hãy tạo ra ranh giới rạch ròi cung cấp cho họ sự tự do mà họ cần.

9. Nhà thám hiểm

Những con người này thường đi tìm ý nghĩa, mục đích và có mong muốn tạo nên sự khác biệt. Họ thích các doanh nghiệp có mục đích rõ ràng, và được thúc đẩy bởi các cơ hội học tập cũng như trực tiếp gặp gỡ với khách hàng.

Động cơ hàng đầu dành cho nhóm này là những lời khen ngợi và phản hồi thường xuyên. Họ sẽ được lên tinh thần bằng cách liên kết mục tiêu của cá nhân họ với những mục tiêu chung, và từ đó nhận lại phản hồi về việc họ đã tạo nên sự khác biệt như thế nào.

Hãy cung cấp cho họ nhiều công việc quan trọng, đa dạng để giúp họ nhìn thấy bức tranh cuộc sống lớn hơn.

Ý NHI (Theo Guardian)/NCĐT

UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”

Cựu CEO Lee Kun Hee và những lựa chọn chiến lược tạo nên “Kỳ tích Samsung”

Làm thế nào CEO Lee Kun Hee vực dậy được cả một tập đoàn đang trong tình hình khó khăn, mâu thuẫn nội bộ lục đục và vươn lên thành “Kỳ tích Samsung”? Làm thế nào để một doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn lại có thể vượt mặt được Nhật Bản ngay trên những thị trường vốn thuộc về người Nhật? Tất cả nằm ở những lựa chọn thông minh, sáng suốt của vị CEO này.

Vậy nhựng lựa chọn ấy là gì?

Lựa chọn bán dẫn

Trong cuốn sách "Quản trị kết quả" của Peter Drucker, tác giả kết luận: thành quả mà Lee Kun Hee cống hiến cho Samsung không phải là giúp tập đoàn giải quyết vấn đề trước mắt mà ông đã tìm ra một cơ hội phát triển mới cho công ty. Nếu tập trung vào tháo gỡ khó khăn của tập đoàn thì kết quả tốt nhất thu được cũng chỉ là đưa Samsung quay về trạng thái bình thường ban đầu, chứ không thể mong đợi điều gì xa hơn nữa. Tuy nhiên, nếu tìm ra một cơ hội phát triển mới thì những thành quả vượt bậc được sản sinh ra hẳn sẽ nằm ở một trình độ siêu đẳng khác so với việc giải quyết vấn đề và khôi phục lại ví trí vốn có cho Samsung.

Thế nhưng quyết định của Lee Kun Hee vào thời điểm đó là vô cùng liều lĩnh, bởi lúc đó, Samsung chỉ được biết đến như một hãng sản xuất hàng điện tử giá rẻ và bán dẫn vốn là thị trường mà Nhật Bản đã đi trước hàng chục năm. Tuy nhiên, từ những năm 1970, Lee Kun Hee đã nhìn thấy mốt số điểm mạnh và yếu tố thuận lợi giúp Samsung có thể thành công trên mảng bán dẫn. Người Hàn Quốc có thói quen dùng đũa vì thế đôi bàn tay của họ rất khéo léo. Đồng thời, thói quen bỏ giày đi chân trần trong nhà đã hình thành cho người Hàn Quốc một nếp sống thanh tịnh và sạch sẽ. Điều này hoàn toàn phù hợp với những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo với môi trường sản xuất tuyệt đối sạch sẽ.

Ông Lee Kun Hee, cựu CEO huyền thoại của Samsung

Sau khi thuyết phục cha mình cũng chính là vị chủ tịch Samsung lúc bấy giờ, năm 1974, Samsung đã mua lại cổ phần của công ty bán dẫn Hàn Quốc. Và đến ngày 15/3/1983, chủ tịch Lee Buyng Chul đã chính thức phát biểu với báo giới về sự kiện Samsung gia nhập thị trường bán dẫn. Đương nhiên, lời phát biểu của chủ tịch Samsung nhận được những cái cười hoài nghi của giới tài chính trong nước. Thế nhưng chưa đầy một năm sau tuyên bố chính thức gia nhập thị trường bán dẫn, Samsung Electronics đã trình làng một sản phẩm gây chấn động đối với các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu. Bất chấp cách biệt kỹ thuật hàng chục năm, Samsung Electronics, một hãng điện tử vô danh mới chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực bán dẫn đã vượt mặt các ông lớn về công nghệ hiện nay để trở thành doanh nghiệp thứ 3 trên thế giới phát triển thành công sản phẩm 64K DRAM. Phải nói thêm rằng, tại thời điểm bấy giờ, 64K DRAM được ví là "kỹ thuật trong mơ" và được sản xuất trong quy mô hạn hẹp bằng công nghệ độc quyền.

Thừa thắng xông lên, tháng 12/1983, Samsung đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn với sự hỗ trợ của 2.000 máy móc và 260.000 công nhân. Đến các nước phát triển cũng phải mất ít nhất một năm rưỡi để xây dựng nên một nhà máy khép kín sản xuất bán dẫn hoàn thiện nhưng Samsung đã làm nên kỳ tích đó chỉ trong vòng vẻn vẹn sáu tháng.

Các doanh nghiệp trên thế giới đã bị sốc sau sự kiện này, nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Samsung tiếp tục làm cả thế giới bàng hoàng khi đầu năm 1990, Samsung Electronics tuyên bố sẽ đi tiên phong trong việc đầu tư vào phiến bán dẫn 8 inch. Đây lại là một quyết định liều lĩnh nữa, bởi vào thời điểm đó, thị trường bán dẫn DRAM đang trong giai đoạn đóng băng. Những tên tuổi lớn như Toshiba, NEC, Hitachi thậm chí còn chần chừ chưa muốn đầu tư vào phiến bán dẫn 8 inch và tới tận năm 1993, kích thước chuẩn của một phiến bán dẫn vẫn chỉ là 6 inch.

Samsung 64K DRAM

Cuối cùng, tháng 6/1993, Samsung Electronics là doanh nghiệp DRAM đầu tiên chính thức đưa dây chuyền sản xuất 8 inch vào hoạt động. Samsung đã vượt qua các công ty tên tuổi của Nhật để bám sát IBM làm nên thành công rực rỡ thứ 2 của hãng. Lee Kun Hee chính là người đã đặt nền tảng để Samsung có thể có được lợi thế cạnh tranh trên toàn thế giới trong lĩnh vực công nghệ phiến bán dẫn 8 inch và nhờ đó mà hãng giữ vững được vị trí số 1 trong lĩnh vực bán dẫn.
Lựa chọn kỹ thuật số

Lee Kun Hee từng phát biểu: “Chúng ta có thể tụt hậu trong công nghệ analogue nhưng nhất định phải tiên phong trong công nghệ kỹ thuật số”. Hãng điện tử Samsung Electronics có thể giữ vững vị trí độc quyền trên thị trường TV trong suốt những năm qua là nhờ có lựa chọn sáng suốt và quyết tâm sắt đá này của Lee Kun Hee. Vào thời bấy giờ, các công ty Nhật quá hùng mạnh và không chừa ra một chỗ nào để Samsung Electronic có thể chen chân vào cạnh tranh. Thế nhưng khi thời thế thay đổi, sự chuyển giao giữa thời đại analogue và thời đại kỹ thuật số (vào những năm đầu thập niên 2000) bắt đầu, Samsung đã nhanh nhạy nắm bắt thời cơ này để nghiễm nhiên vượt qua các tên tuổi của Nhật Bản.

Trong thời đại analogue, “kinh nghiệm và kỹ thuật” là những yếu tố cạnh tranh quan trọng nhất. Thế nhưng, bước vào thời đại kỹ thuật số, “cải tiến và tốc độ” thậm chí còn được đánh giá cao hơn, còn “kinh nghiệm và kỹ thuật” lại có ngày trở thành yếu tố bất lợi khi gia nhập vào thị trường công nghệ mới, "digital". Khi các đối thủ cạnh tranh còn đang mải miết với analogue thì Samsung Electronics đã có thể tạo dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc tại thị trường digital TV dựa trên nền tảng chất lượng hình ảnh và thiết kế.

Một trong những thành công khác thể hiện tầm nhìn chiến lược của Lee Kun Hee là xây dựng hệ thống hội tụ số (digital convergence). Khi internet được phổ biến và áp dụng rộng rãi, xã hội công nghiệp nhanh chóng chuyển sang xã hội thông tin, nhưng các công ty gạo cội vẫn chưa thể từ bỏ các sản phẩm công nghệ analogue, cũng như chưa thoát khỏi cơ cấu kinh doanh analogue, thì Lee Kun Hee đã đi trước một bước, không chỉ sản xuất ra các sản phẩm kỹ thuật số mà còn xây dựng hệ thống cấu trúc kinh doanh số hay digital e-company.


Trong thời đại công nghiệp hóa, chỉ cần làm ra được một, hai sản phẩm tốt là có thể yên tâm tồn tại, nhưng bước sang thời đại thông tin tri thức, một hai sản phẩm ấy không những cần phải được kết hợp, dung hòa mà còn cần hội tụ những thứ khác để trở thành một thể thống nhất. Năm 2000, tỷ xuất lợi nhuận ròng trên doanh thu của Samsung gần đạt tới chuẩn của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới là 20%. Năm 2002, có thể nói một trong những lý do chủ yếu giúp Samsung đánh bại Sony của Nhật chính là vì Samsung đã lựa chọn nền móng internet, đi trước các đối thủ khác và tạo nên một hệ thống “Global e-Process”, có thể tổng hợp tất cả, tăng cường và phát triển tiến trình nghiệp vụ số.

Hơn ai hết, Lee Kun Hee hiểu rằng để chuẩn bị hành trang bước vào thời đại kỹ thuật số toàn thể tập đoàn phải vượt qua những giới hạn về dự án kinh doanh và phạm vi công ty để chia sẻ thông tin kỹ thuật, nhanh chóng phát triển và cho ra đời những sản phẩm kết tinh từ quá trình hiện thực hóa dung hợp và phức hợp. Để làm được điều này, cần tạo ra một hệ thống quản lý thay đổi được toàn bộ quy trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm trước đây, bắt đầu từ kế hoạch sản xuất sản phẩm cho đến mẫu mã, thiết kế, dụng mẫu, sản xuất và cuối cùng là dây chuyển sản xuất.

Không chỉ vậy, Samsung còn xây dựng thành công một mạng lưới đáp ứng hoản hảo mọi nhu cầu công việc trong nội bộ công ty mang tên gọi MySINGLE (viết tắt của Samsung INtergrated GLobal information systEM). Nhờ hệ thống này, mọi nhân viên Samsung dù có rời văn phòng vẫn có thể theo dõi công việc trực tiếp, thời gian thực ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chính vì vậy, Samsung đã tăng tốc độ xử lý công việc lên hàng chục thậm chí là hàng trăm lần so với các công ty áp dụng công nghệ analogue.

Khi lựa chọn kỹ thuật số, Lee Kun Hee đồng thời đã lựa chọn đi theo con đường “Đổi mới đột phá”, nắm bắt những bước chuyển mình mang tính thời cuộc và tận dụng nó để tạo nên cơ hội mới. Nhờ vậy, Lee Kun Hee đã bắn được một mũi tên trúng 2 đích, vừa giải quyết được vấn đề vừa gặt hái được thành tựu mới bằng cách tìm ra cơ hội mới.

Lựa chọn thiết kế

Trong lời phát biểu chúc mừng năm mới năm 1996, Lee Kun Hee đã lựa chọn năm 1996 là “Năm cách mạng về mẫu thiết kế” và đây cũng chính là năm khai sinh tôn chỉ kinh doanh đề cao mẫu mã của Samsung. Theo ông, “thiết kế không chỉ đơn thuần là tạo nên hình dáng hay màu sắc của sản phẩm, mà còn là hành vi văn hóa bắt nguồn tư việc nghiên cứu tính tiện ích của sản phẩm để nâng cao giá trị và chi phối phong cách sinh hoạt của người dùng”. Sau lời tuyên bố đó, Lee Kun Hee đã có hàng loạt động thái đẩy mạnh tập trung vào thiết kế như đưa vào giải thưởng thiết kế trong danh mục các giải thưởng “Tự hào ấn tượng Samsung”. Ông cũng khẳng định khả năng sáng tạo linh hoạt mẫu mã sẽ là tài sản quý báu của doanh nghiệp và quyết định sự thành bại trong kinh doanh. Lee Kun Hee cũng chính là người đứng đằng sau sản phẩm “SGH-T100”, một chiếc điện thoại có thiết kế hoàn toàn khác biệt và tạo thành chuẩn mới của các sản phẩm điện thoại đẹp mắt, thanh lịch.

Samsung SGH-T100

Vào thời gian đó, những chiếc điện thoại di động luôn trung thành với kiểu dáng vuông thành sắc cạnh, thế nhưng T100 lại là thứ hoàn toàn khác. Với thiết kế bo tròn mềm mại, cùng màn hình LCD kích cỡ lớn, sản phẩm này đem lại cảm giác thoải mái cả về ngoại quan lẫn sử dụng. Nhờ đột phá trong thiết kế, SHG-T100 đã đạt mốc doanh số 10 triệu chiếc và là sản phẩm đầu tiên của Samsung chạm tới kỷ lục này. Đây cũng là sản phẩm giúp Samsung lần đầu tiên nắm trong tay 9,8% thị phần điện thoại di động toàn cầu và trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới.

Năm 2007, khi iPhone của Apple xuất hiện, làm mưa làm gió và gây xáo trộn toàn bộ hiện trang thị trường điện thoại di động bình thường, tái cải tổ một “hệ sinh thái điện thoại thông minh mới” và lật đổ nhiều hãng điện thoại trên thế giới, Lee Kun Hee đã nhanh chóng chèo lái con thuyền Samsung chuyển mình đương đầu với những thử thách mới. Năm 2010, Samsung cho ra mắt chiếc điện thoại Galaxy S. Đây là sản phẩm điện thoại thông minh duy nhất có thể trở thành đối thủ ngang sức ngang tài với iPhone. Nếu không nhờ sự thích nghi nhanh chóng, biết đâu đấy, giờ mảng di động của Samsung đã bị rơi vào quên lãng giống như nhiều cái tên khác trên thị trường như Nokia hay Motorola.

Samsung Galaxy S

Thành công trong thiết kế không chỉ được đánh dấu bằng các sản phẩm di động mà còn là các sản phẩm TV. Năm 2005, Lee Kun Hee cho triệu tập tất cả giám đốc của tập đoàn tới Milano, kinh đô thời trang và các mẫu thiết kế, để mở cuộc họp với chủ đề “Hội nghị chiến lược thiết kế”. Ông đánh giá, khả năng cạnh tranh của các mẫu thiết kế do Samsung sáng tạo ra chỉ là loại 1,5 và đưa ra yêu cầu phải thực hiện hiện một cuộc cải cách nữa để đáp ứng những tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Lee Kun Hee phát biểu: “Thời gian trung bình để một sản phẩm lọt vài mắt xanh của người tiêu dùng là 0,6 giây, do đó nếu trong một tích tắc ngắn ngủi ấy, chúng ta không thể lôi kéo được bước chân của khách hàng thì cũng đồng nghĩa với thất bại”. Một năm sau tuyến bố cách mạng thiết kế tại Milano, tháng 3/2006, thiết kế của Samsung được nâng lên một tầm cao mới với dòng sản phẩm “TV Bordeux”.

Samsung Bordeux TV

Sự ra đời của chiếc TV Bordeux với thiết kế hình tượng hóa từ hình ảnh một chiếc ly còn lại một chút rượu vang láng đáy thực sự đã làm nên một cuộc cách mạng. Trước đây, TV chỉ cần có chức năng truyền tải hình ảnh, âm thanh, không hỏng học gì thì đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Thế nhưng sự ra đời của Bordeux đã khiến chiếc TV lột xác trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng là phút giây lịch sử, sau 34 năm gia nhập thị trường TV, Samsung Electronic đã có thể vươn lên đứng đầu thị trường thế giới. Nhắc tới Samsung, người ta liên tưởng đến một công ty làm ra những chiếc TV đẹp chứ không còn là một công ty chuyên sản xuất hàng điện tử giá rẻ nữa.

Để tạo nên kỳ tích Samsung không chỉ có bán dẫn, kỹ thuật số và thiết kế. Trong thời kỳ dẫn dắt con thuyền Samsung, Lee Kun Hee cũng đưa ra một số lựa chọn mang tính chiến lược khác. Những lựa chọn này là gì? Mời các bạn đón đọc tiếp kỳ sau.

Theo: T. N
Nguồn: ICT News


UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”

Intel đã bỏ lỡ cuộc cách mạng iPhone như thế nào?

Steve Jobs đã từng đề nghị Intel chế tạo chip cho iPhone, nhưng Intel lại từ chối cơ hội “ngàn vàng” này để rồi phải hối tiếc như bây giờ.

Intel vừa phải sa thải 12.000 nhân viên trong bối cảnh doanh thu của thị trường PC tụt dốc. Rõ ràng là nếu Intel không bỏ lỡ thị trường smartphone béo bở thì họ đã không lâm vào tình cảnh bi đát như ngày hôm nay.

Thị trường smartphone hiện nay gần như bị độc chiếm bởi công nghệ vi xử lý của ARM, một công ty thiết kế chip của Anh vốn không có năng lực sản xuất và có doanh số chỉ bằng ngân sách quảng cáo của Intel vào thời điểm iPhone chưa ra đời.

Vậy thì điều gì đã xảy ra? Làm thế nào một công ty được sáng lập bởi Gordon Moore, cha đẻ của mạch tích hợp và tác giả của định luật Moore trứ danh, lại bỏ lỡ con thuyền smartphone? Chính thành công quá lớn có được nhờ sản xuất chip PC và việc đánh giá thấp tiềm năng của thị trường di động đã khiến Intel chậm chân so với các đối thủ. Nói cách khác, công thức thành công trong quá khứ đã trở thành rào cản tiến đến tương lai của công ty khởi xướng cuộc cách mạng vi xử lý này.


Tận dụng thế độc quyền

Kể từ thuở sơ khai của kỷ nguyên PC, Intel đã thu về lãi khủng nhờ có doanh số và biên lợi nhuận lớn. Công ty này đã bán được vô số vi xử lý và có thể tăng giá sản phẩm nhiều hơn bình thường. Có một lý do về kỹ thuật mà Intel có thể tăng giá chip của mình lên cao như vậy: sự độc quyền của kiến trúc tập lệnh x86.

Khi một nền tảng phần mềm phức tạp và phổ biến như Windows được xây dựng trên một kiến trúc tập lệnh (ISA) định sẵn, sẽ rất khó để một ISA khác có cơ hội chen chân vào, ví dụ như ARM. Tình trạng này vẫn còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay.

Từ trước đến nay, Windows luôn được xây dựng trên kiến trúc x86 của Intel. Điều này có nghĩa là những nhà sản xuất PC như Dell, dù chỉ muốn mua Windows cũng phải mua luôn chip của Intel. Nhờ thế độc quyền song hành này, Intel và Microsoft có thể tăng giá bán các công nghệ tương ứng của mình. Intel đã tận dụng lợi thế này để chèn ép và đánh bật các đối thủ khác.

“Mafia” Intel

Để đạt được vị thế độc tôn trên thị trường vi xử lý cho PC, Intel đã hành xử như một băng đảng “mafia”. Giả sử Intel muốn tăng biên lợi nhuận của mình, hãng này sẽ gõ cửa Dell và nói: “Chúng tôi sẽ tăng giá bán CPU cho các anh”. Do Dell không có lựa chọn nào khác ngoài sản phẩm của Intel, Dell buộc phải chấp nhận sự tăng giá này.

Sau khi Dell phải trả thêm tiền cho Intel với mỗi PC bán ra, hãng này giờ có ba lựa chọn. 1) Dell có thể tăng giá PC, và làm giảm khả năng cạnh tranh của hãng trên thị trường PC khốc liệt. 2) Dell có thể giữ nguyên giá và chấp nhận biên lợi nhuận của mình bị giảm (giá cổ phiếu của công ty sẽ bị ảnh hưởng). 3) Dell sẽ ép các nhà sản xuất linh kiện PC còn lại giảm giá bán và biên lợi nhuận của họ để bù lại số tiền phải trả cho Intel.


Không ngạc nhiên khi Dell và các nhà sản xuất PC khác chọn cách thứ 3. Vì có nhiều nhà cung cấp GPU (chip xử lý đồ họa) trên thị trường, Dell có thể để Nvidia và ATI cạnh tranh với nhau, nhờ đó buộc họ phải hạ giá thành để được tiếp tục bán sản phẩm cho Dell. Điều tương tự cũng được áp dụng với các nhà sản xuất linh kiện PC khác. Đây là chính là chiến thuật Intel dùng để “đánh cắp” biên lợi nhuận từ tất cả nhà sản xuất linh kiện PC khác, đặc biệt là các hãng chế tạo GPU như Nvidia và ATI.

Với AMD, chiến thuật để Intel đánh bật đối thủ sản xuất chip lớn nhất của mình là dán nhãn “Intel Inside” vào các sản phẩm sử dụng chip của Intel. Để đổi lấy việc dán nhãn này trên các PC, Intel sẽ trợ giá cho hoạt động marketing của các nhà sản xuất PC. Đây thực sự là một chiêu “thâm hiểm” của Intel.

Chiến thuật này hoạt động như sau: Intel tăng giá bán chip cho Dell, buộc Dell phải ép Nvidia và ATI giảm giá bán GPU. Để khuyến khích Dell làm việc này, Intel sẽ lại quả một phần tiền lấy được từ miếng bánh của Nvidia và ATI bằng cách trợ giá cho hoạt động marketing của Dell. Nhờ thế, Dell vẫn giữ nguyên được giá sản phẩm của mình và có thêm tiền cho marketing, Intel có thêm biên lợi nhuận và làm suy yếu các đối thủ. Sau tất cả, Intel chính là bên hưởng lợi lớn nhất và các hãng sản xuất linh kiện PC còn lại chỉ biết “khóc thầm” trước sự “ma mãnh” của Intel.

Từ bỏ ARM

Intel đã thành công to với chiến lược kinh doanh nói trên, và họ muốn bảo vệ nó này bằng mọi giá. Hãng chế tạo chip này cũng có bộ phận sản xuất vi xử lý ARM rất hiệu quả. Nhưng Intel đã quyết định bán đứt bộ phận này vì cho rằng mảng kinh doanh với số lượng lớn và biên lợi nhuận thấp này không quan trọng.

Vào thời điểm ARM nhận được nhiều sự quan tâm và Steve Jobs đang bí mật phát triển iPhones, Intel đã hoàn toàn mờ mắt bởi biên lợi nhuận lớn thu được nhờ bán chip PC. Do đó, không ngạc nhiên khi Steve Jobs đề nghị Intel sản xuất chip ARM cho iPhone, Intel đã từ chối lời đề nghị này. Intel nói rằng họ không muốn tốn công để sản xuất CPU cho điện thoại vì ngành này có biên lợi nhuận thấp. Intel cũng không ngờ rằng iPhone sẽ trở thành cuộc cách mạng công nghệ lớn nhất kể từ khi máy tính IBM ra đời. Vì thế, CEO của Intel khi đó là Paul Otellini đã “lịch sự” từ chối lời đề nghị “ngàn vàng” của Steve Jobs.


Cũng cần phải nói rằng các nhà sản xuất điện thoại khác không mặn mà gì với chip điện thoại của Intel. Các nhà sản xuất điện thoại đã nắm được mánh khóe của Intel và họ biết rằng chỉ cần họ dính vào chip của Intel, họ sẽ bị Intel dùng thế độc quyền để ép giá sản phẩm.

Họ sẽ không đời nào để cho Intel lộng hành như với các nhà xuất PC. Vì thế, các nhà sản xuất điện thoại và Intel tỏ ra không mấy hứng thú với nhau. Và rồi các nhà sản xuất điện thoại đã tìm đến sản phẩm giá rẻ của ARM.

Không giống như chip x86, nếu một nhà cung cấp ARM tìm cách ép giá sản phẩm, các nhà sản xuất điện thoại có thể bỏ họ và chuyển sang một nhà cung cấp khác. Chip ARM có thể không có hiệu suất hoặc kích thước transistor lớn bằng của Intel, nhưng chúng luôn rẻ và dễ sử dụng, và hoàn toàn không có nguy cơ bị ép giá.

Thất bại với Atom

Ở một chừng mực nào đó, Intel đã nhận ra rằng ARM là một mối đe dọa ở phân khúc chip tiêu thụ ít điện năng. Vì thế, công ty này đã ra mắt dòng vi xử lý tiêu thụ ít điện năng Atom x86 để ngăn đối thủ chiếm lĩnh thị phần. Nhưng Atom là một sản phẩm thất bại khi không đem lại hiệu suất như mong đợi.

Nếu Intel tung ra một dòng chip x86 tiêu thụ ít điện năng, hiệu suất cao và biên lợi nhuận thấp, các nhà sản xuất máy chủ sẽ là những người đầu tiên từ bỏ dòng chip Xeon đắt tiền (cũng của Intel) để chuyển sang sản phẩm này.

Về nguyên tắc, Intel không thể cho phép các sản phẩm x86 biên lợi nhuận thấp ăn vào thị phần của các sản phẩm x86 biên lợi nhuận cao. Vì thế, hãng này đã dùng đến một giải pháp nửa vời là Atom, nhằm mục đích ngăn ARM tiến vào laptop thay vì đưa x86 vào smartphone.

Kết luận

Lý do chính mà Intel đã bỏ lỡ thị trường CPU dành cho di động là vì đó là một thị trường đòi hỏi doanh số cao nhưng có biên lợi nhuận thấp. Trong khi đó, Intel là một công ty có doanh số cao, biên lợi nhuận cao. Họ không thể bán ra sản phẩm có biên lợi nhuận thấp (chip smartphone) mà không tự phá bỏ cỗ máy hái ra tiền hiện tại (chip PC) của mình.

Thứ hai là nếu hoạt động kinh doanh của một công ty được xây dựng bằng cách sử dụng vị thế độc quyền để chèn ép đối tác và đối thủ cạnh tranh, họ sẽ bị cho vào “sổ đen” của những ngành công nghệ mới. Những nhà sản xuất smartphone sẽ không đời nào rơi vào cái bẫy của Intel như làng PC đã từng.

Nói về hướng đi sắp tới, Intel sẽ phải lựa chọn giữa tình trạng trì trệ hiện nay hoặc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh biên lợi nhuận thấp. Intel sẽ không bao giờ có thể tham gia vào các lĩnh vực tăng trưởng nóng như ô tô hoặc Internet of things mà vẫn cứ giữ mô hình kinh doanh hiện tại. Nếu muốn tăng trưởng, Intel buộc phải từ bỏ biên lợi nhuận cao và chấp nhận chuyển sang bán sản phẩm có biên lợi nhuận thấp. Có lẽ những ngày tháng ngồi mát ăn bát vàng của Intel giờ chỉ còn trong dĩ vãng.

Theo: Nam Nguyễn / techcrunch
Nguồn: Trí thức trẻ


UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”

Apple rót một tỷ USD cho đối thủ Uber

Didi Chuxing - đối thủ của Uber tại Trung Quốc đã nhận được số tiền khổng lồ từ Apple, khiến cuộc chiến tại quốc gia đông dân nhất thế giới càng thêm khốc liệt.
Số vốn một tỷ USD đã giúp Apple trở thành đối tác chiến lược của Didi, bên cạnh hai gã khổng lồ công nghệ khác là Tencent và Alibaba. Didi từ lâu vẫn cho rằng mình ở "chiếu trên" so với Uber, do đã hoạt động tại đây khá lâu trước khi Uber tiến vào Trung Quốc.

"Sự hỗ trợ của Apple là nguồn động viên rất lớn với một công ty 4 năm tuổi như chúng tôi", nhà sáng lập kiêm CEO Didi - Cheng Wei cho biết.

Didi có rất nhiều dịch vụ: đặt xe bus hoặc xe riêng, đi chung xe và cả thử xe - khách hàng được chọn chạy thử các loại xe cao cấp trong thời gian ngắn. Công ty này thực hiện 11 chuyến đi mỗi ngày, có 300 triệu người dùng tại hơn 400 thành phố Trung Quốc. Họ cũng khẳng định nắm 87% thị phần xe riêng và 99% mảng đi chung xe.


Ứng dụng gọi xe Didi Chuxing hiện có 300 triệu người dùng tại Trung Quốc. Ảnh: AFP
"Chúng tôi cực kỳ ấn tượng với công ty họ đang xây dựng và đội ngũ lãnh đạo xuất sắc. Chúng tôi muốn hỗ trợ Didi phát triển", CEO Apple - Tim Cook nói.

Chủ tịch Didi - Jean Liu cho biết thỏa thuận đã được ký kết “với tốc độ ánh sáng” sau cuộc họp giữa hai bên tại California cuối tháng trước. Khoản đầu tư của Apple chỉ là một phần trong vòng huy động vốn mà Liu gọi là "ngoài sức tưởng tượng". Đầu năm nay, công ty này được định giá 20 tỷ USD.

Còn với Apple, giới quan sát cho rằng đây là cách hãng thử các sản phẩm mới ở Trung Quốc, trong đó có dự án liên quan đến ôtô đã được đồn thổi từ lâu. Người khác thì cho rằng hợp tác với Didi sẽ giúp Apple tăng cường mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc.

Theo: Hà Thu / CNN
Nguồn: VnExpress

UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”

10 sự thật bất ngờ về Coca-Cola

Coca-Cola là sản phẩm có rất nhiều câu chuyện thú vị mà có thể bạn chưa hề nghe tới, theo tổng hợp của Mentalfloss.

1. Từng là sản phẩm miễn phí

Coca-Cola từng là sản phẩm miễn phí. Ảnh: iStock.

Khi dược sĩ John S. Pemberton sáng chế ra Coca-Cola năm 1886, ông thể hiện rõ mình là người đàn ông của các ý tưởng thay vì chuyên gia tiếp thị. Việc kinh doanh loại nước giải khát không hề khởi sắc cho đến khi Asa Griggs Candler tiếp quản nó sau cái chết của Pemberton năm 1888. Để quảng bá sản phẩm, Candler phát những phiếu đồ uống miễn phí cho mọi người. Sau khi dùng thử, các khách hàng nhanh chóng quay lại và chấp nhận bỏ 5 xu cho mỗi ly nước.

2. Chai nước nổi tiếng ban đầu có hình hạt cacao

Ban đầu chai nước này có hình hạt cacao. Ảnh: iStock.

Mặc dù không phải bàn cãi về tài kinh doanh của Candler, ông cũng mắc những sai lầm đáng kể.

Ban đầu, Coca-Cola được phân phối chủ yếu ở các hiệu thuốc. Sau đó, những nhà sản xuất chai thủy tinh xuất hiện và hỏi Candler xem ông có muốn đưa sản phẩm của mình vào các loại chai của họ hay không. Ông đồng ý chi 1 USD cho công tác đóng chai. Chính điều đó đã đẩy Coca-Cola vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi các đối thủ cũng thi nhau sử dụng chai thủy tinh và khiến khách hàng khó lòng phân biệt thật giả.

Nhận thức được sai lầm, Candler yêu cầu các đối tác sản xuất chai đưa ra một thiết kế độc đáo cho thương hiệu này. Một nhà máy ở Indiana đã sản xuất loại chai có dạng giống như hạt cacao năm 1916 do không biết rằng Coca-Cola không chứa thành phần này nữa. Tuy nhiên, thiết kế này vẫn được chấp nhận và trở nên vô cùng nổi tiếng.

3. Lon Coca-Cola được sáng chế cho quân đội

Coca-Cola được sáng chế cho quân đội. Ảnh: Oleg Sklyanchuk.

Thứ duy nhất có thể cạnh tranh với sự nổi tiếng của những chai Coca-Cola thủy tinh là sản phẩm đóng lon. Công ty đã đưa ra ý tưởng về mô hình này với tham vọng vận chuyển sản phẩm đến các lực lượng vũ trang đóng quân ở nước ngoài.

Tuy nhiên, do nguyên liệu cần thiết bị thiếu hụt trong Chiến tranh thế giới 2, Coca-Cola không thể triển khai ý tưởng của mình. Phải đến năm 1960, những lon đầu tiên mới đến tay người dùng là những khách hàng thông thường.

4. Coca-Cola không màu từng được sản xuất

Từng có Coca-Cola không màu. Ảnh: RussiaInsider.

Hãng nhanh chóng mở rộng thị phần đến thị trường quốc tế trong Thế chiến 2. Các nhà máy đóng chai nhanh chóng được dựng lên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài, trong đó có những nhân vật đặc biệt như Georgy Zhukov – danh tướng của Liên Xô trong cuộc chiến chống phát xít Đức.

Để tránh nảy sinh các vấn đề nhạy cảm, Zhukov yêu cầu hãng sản xuất cho mình loại nước ngọt không màu đóng trong loại chai thông thường giống như rượu Vodka. Điều này đã được đáp ứng nhanh chóng cho dù phải đến năm 1985, những người tiêu dùng Nga mới có cơ hội tận hưởng phiên bản truyền thống.

5. Tham vọng thay thế cà phê

Coca-Cola từng ôm tham vọng thay thế cà phê. Ảnh: 50dollarsdaily4life.

Khi Coca-Cola nhận ra có tới 12% sử dụng sản phẩm của mình vào buổi sáng thay vì cà phê, công ty đã quyết định tung ra một chiến dịch quảng bá mang tên “Coke in the morning” (tạm dịch: Uống Coca-Cola vào buổi sáng) năm 1988 nhằm lôi kéo người dùng thay đổi thói quen của họ. Ý tưởng chủ yếu ở đây là sẽ dễ dàng hơn cho khách hàng với một lon Coca lạnh, thay vì pha chế một cốc cà phê nóng.

6. Lon Coca-Cola từng được đóng với loại nước khó uống

Ảnh: Ebay

Năm 1990, công ty tung ra một chiến dịch quảng bá đầy tốn kém với tên gọi “MagiCans” (Lon nước ma thuật).

Khi khách hàng mua phải lon trúng thưởng, nó sẽ bật ra một đồng tiền với mệnh giá từ 1 đến 500 USD. Để khách hàng không phân biệt được lon trúng thưởng nhờ sự chênh lệch trọng lượng, Coca-Cola đã đổ vào lon loại nước “khó uống” với thành phần là nước, clo và nhôm sulfat.

Mục đích của hãng là để người dùng không uống lon nước trúng thưởng này, song một số khách hàng vẫn bất chấp và dọa sẽ kiện Coca-Cola sau đó.

7. Pepsi từng giúp Coca-Cola

Ảnh: CNBC

Năm 2006, hai nhân viên của Coca-Cola từng chào bán cho Pepsi bí mật thương mại của hãng về loại nước ngọt đang được phát triển. Tuy nhiên, trong khi đang trao những tài liệu mật và cả mẫu nước cho người nhận là lãnh đạo của Pepsi (thực ra là đặc vụ FBI), bộ đôi đã bị bắt giữ và chịu mức án lần lượt là 5 và 8 năm tù.

Chính Pepsi đã cảnh báo cho Coca-Cola và Cục điều tra liên bang Mỹ về vụ việc này. Trả lời phỏng vấn với CNN, người phát ngôn của Pepsi cho hay sự cạnh tranh phải “công bằng và hợp pháp”.

8. Đưa Max Headroom trở thành ngôi sao

Ảnh: BestLittleHoardhouse

Max Headroom là nhân vật được tạo ra như một ngôi sao truyền hình ảo ở Anh do công ty thu âm Chrysalis thực hiện năm 1985. Cảm nhận được sức hấp dẫn của Headroom với giới trẻ, Coca-Cola đã đưa anh này vào chuỗi chiến dịch quảng cáo của mình trong cùng năm đó. Theo báo cáo, hãng đã giúp Headroom trở nên quen thuộc với 76% thanh thiếu niên lúc bấy giờ.

9. Công thức bí mật có thể đã bị “bật mí”

Ảnh: Flickr

Rất nhiều câu chuyện được lưu truyền về việc Coca-Cola lưu giữ và bảo vệ công thức loại đồ uống nổi tiếng của mình. Mệnh danh là “7X”, công thức này được đặt trong một căn hầm tối an toàn mà chỉ có những lãnh đạo cao nhất của công ty có thể tiếp cận.

Tuy nhiên, năm 2011, một trong chương trình của mình, đài phát thanh có tên NPR tuyên bố họ đã có trong tay công thức này nhờ tài liệu thu được từ nhà sử học Charles Salter, vốn thuộc về cha đẻ của Coca-Cola -John Pemberton.

Theo đó, công thức pha chế bao gồm chiết xuất coca, dầu chanh, tinh dầu quế, tinh dầu nhục đậu khấu và caramen. Trả lời phỏng vấn, đại diện của Coca Cola cho hay bản công thức đó, cho dù là thật, cũng chỉ là công thức cũ của loại nước giải khát này mà thôi.

10. Uống Coca-Cola ở McDonald’s là ngon nhất

Ảnh: iStock

Hai gã khổng lồ này đã ký với nhau hợp đồng hợp tác chiến lược từ năm 1955 với những điều khoản đảm bảo sự khăng khít và cùng phát triển.

Theo New York Times, Coca-Cola vận chuyển nước giải khát của mình đến McDonald’s trong những thùng chứa bằng thép không gỉ, thay vì thùng nhựa như với các nhà cung cấp khác. Chính điều này đã khiến cho hương vị của loại đồ uống này được cho là ngon nhất khi thưởng thức ở các cửa hàng của McDonald’s.

Theo: Kinh Vũ
Nguồn: Zing News

UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”

9 bí quyết kinh doanh ẩm thực thời kỹ thuật số

Mở và vận hành một nhà hàng không phải là điều đơn giản. Thực tế cho thấy tỷ lệ khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này thấp hơn nhiều so với nhiều ngành khác.


Do có quá nhiều rủi ro mà không ít doanh nhân phải từ bỏ ý định làm chủ một nhà hàng. Tuy nhiên, nếu hiểu biết và quản lý tốt một số vấn đề đặc thù của ngành ẩm thực và nhà hàng, nhất là những vấn đề liên quan đến thời đại của thương mại điện tử và kỹ thuật số, các doanh nhân có thể thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Clayton Curtis, một chuyên gia của Social Hospitality, một công ty tiếp thị kỹ thuật số cao cấp, đưa ra những bí quyết sau đây giúp các doanh nhân thành công trong lĩnh vực nhà hàng trong bối cảnh hiện nay.

1. Xây dựng trang web. Thời của “Những trang Vàng” đã qua. Hiện nay, để tìm kiếm gần như bất cứ thông tin gì người tiêu dùng cũng đều truy cập internet. Vì vậy, theo Curtis, có mặt trên internet có thể xem như là một điều kiện cần cho sự thành công của một nhà hàng.

2. Cung cấp thực đơn chi tiết trên mạng. Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất mà các thực khách muốn tìm hiểu về một nhà hàng đó chính là danh mục những món ăn và thức uống mà nhà hàng ấy phục vụ.

Curtis khuyên doanh nghiệp nên làm thực đơn theo định dạng văn bản thay vì dạng file “.pdf” vì nó sẽ khiến người tiêu dùng khó đọc, nhất là khi truy cập vào trang web từ các thiết bị di động. Ngoài các chi tiết về thực đơn, trang web của nhà hàng cũng nên ghi rõ giờ mở cửa và đóng cửa vào những ngày thường và ngày lễ.

3. Xây dựng quan hệ với các nhà cung cấp trực tuyến. Doanh nghiệp nên xây dựng quan hệ tốt với một số nhà cung cấp các mặt hàng dành cho việc vận hành một nhà hàng, từ các trang thiết bị, vật dụng cho đến nguồn thực phẩm qua kênh trực tuyến để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Một số nhà cung cấp hiện nay thậm chí còn đầu tư vào các phần mềm phân tích đơn hàng của khách hàng thường xuyên, từ đó chủ động nhắc nhở khách hàng khi hệ thống thông báo lượng hàng của khách hàng có thể đã sắp hết. Điều này rất hữu dụng đối với các nhà hàng, nhất là trong những mùa vụ cao điểm, hạn chế việc trữ hàng quá nhiều hay quá ít giúp cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động.

4. Lắng nghe khách hàng và đưa ra phản hồi kịp thời. Nguyên tắc này được áp dụng cho bất cứ một ngành kinh doanh nào. Nhưng đối với nhà hàng, lắng nghe khách hàng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, theo Curtis, hoạt động của nhà hàng có phát triển được hay không chủ yếu là nhờ “quảng cáo truyền miệng”.

Ngày nay, với sự hỗ trợ của các kênh truyền thông mới, các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Pinterest, doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng có thể lắng nghe khách hàng và đưa ra cho họ các phản hồi nhanh chóng và dễ dàng hơn.

5. Giữ chân khách hàng. Có nhiều cách để thực hiện điều này. Chẳng hạn, nhà hàng có thể xin lại thông tin liên lạc của thực khách như số điện thoại và địa chỉ email để đưa vào danh sách gửi thư thông báo các chương trình khuyến mãi, các sự kiện như bắt đầu phục vụ món ăn mới… Đổi lại, những thực khách là thành viên như vậy sẽ được hưởng một số ưu tiên, ưu đãi của nhà hàng.

Tuy cách làm này không mới nhưng Curtis khuyên các nhà hàng nên sáng tạo trong việc thu thập thông tin của khách hàng, từ đó chỉ gửi cho họ những thông tin mà họ có khả năng quan tâm nhiều nhất.

6. Tạo ra sự khác biệt. Curtis khuyên các nhà hàng không nên kinh doanh theo kiểu “món gì cũng có” mà tốt nhất nên tập trung vào một số thực đơn hay món ăn là thế mạnh hay mình có khả năng chế biến theo một phong vị đặc sắc, riêng biệt nhất nhằm tạo sự khác biệt. Thông thường, nếu khách hàng muốn có nhiều lựa chọn và không phải là người sành ăn uống lắm thì họ sẽ tìm đến những nơi kinh doanh ăn uống theo kiểu “food court” (khu ẩm thực).

Nên nhớ rằng, thực khách đến nhà hàng dùng bữa không chỉ cần đáp ứng “nhu cầu của dạ dày” mà còn mong muốn có được sự trải nghiệm và được phục vụ. Vì vậy, Curtis khuyên các nhà hàng cần để ý từ món ăn, cách bài trí, đến cách phục vụ sao cho có thể đánh thức những giác quan tích cực nhất của thực khách, khiến cho họ có những trải nghiệm khó quên.

7. Chú trọng dịch vụ. Nói đến sự than phiền của thực khách, Curtis cho rằng, nếu thực khách có những trải nghiệm khó chịu thì nguyên nhân chính thường không nằm ở thức ăn hay đồ uống mà phần lớn là do cách phục vụ.

Tác giả khuyên, ngoài việc tuyển dụng và đào tạo kỹ năng phục vụ khách hàng cho những nhân viên phục vụ, một điều quan trọng mà các ông chủ nhà hàng cần phải làm là đối xử tốt với nhân viên, không chỉ bằng việc trả lương thỏa đáng cho họ mà còn bằng sự tôn trọng, xem họ quan trọng như những thực khách hay những “quý ông, quý bà”.

Bên cạnh đó, các nhà hàng cũng nên nghiên cứu đối tượng thực khách và đặc thù của món ăn hay phong cách của nhà hàng mà tuyển dụng nhân viên phục vụ theo giới tính phù hợp. Chẳng hạn, trong những nhà hàng theo phong cách thể thao chủ yếu dành cho phái mạnh, nhân viên phục vụ nên là nữ.

8. Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh. Curtis khuyên các ông chủ nhà hàng nên thường xuyên đến những nhà hàng khác dùng bữa để tìm hiểu những điều họ đang làm, học hỏi những điều tốt và mới, đồng thời rút kinh nghiệm từ những việc chưa được.

Ngành ẩm thực là một trong những ngành đòi hỏi tính sáng tạo khá cao và những người có đầu óc kinh doanh nhạy bén. Doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng cần phải liên tục đem đến cho khách hàng những trải nghiệm độc đáo và khác biệt để làm cho họ thường xuyên quay lại với mình.

9. Chọn khách hàng mục tiêu phù hợp. Curtis cho rằng “biết được túi tiền nằm ở đâu” là một điều quan trọng để tồn tại lâu dài trong ngành kinh doanh nhà hàng.

Nếu doanh nghiệp muốn nhắm đến đối tượng khách hàng có thu nhập thấp thì cần thể hiện điều ấy trong các nỗ lực tiếp thị. Ngược lại, nếu muốn phục vụ những khách hàng có thu nhập cao, doanh nghiệp cần làm cho diện mạo, thiết kế, cách phục vụ và món ăn của nhà hàng xứng tầm với họ.

Nếu chọn những khách hàng lớn tuổi thì nên nhận thức rằng đây là một phân khúc khách hàng không tồn tại lâu. Bởi vì, văn hóa ẩm thực thường thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Văn hóa ấy thường định hình ở những người trẻ và trở thành một trào lưu cho cộng đồng của họ, bao gồm bạn bè, người thân và có thể không thay đổi cho đến khi họ về già. Nhưng đến thế hệ con, cháu của họ, những văn hóa ẩm thực mới lại hình hành.

Ngoài ra, đối tượng khách hàng khác nhau đòi hỏi doanh nghiệp cũng cần phải có những cách thức tiếp thị khác nhau. Chẳng hạn, để tiếp thị phân khúc khách hàng trẻ, có thu nhập cao và năng động, hiện nay doanh nghiệp nên tiếp cận với họ qua kênh thiết bị di động.

Theo DNSG

UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”

6 nền tảng của đàm phán hiệu quả

Với cái nhìn thấu suốt của một học giả, cùng nhiều năm kinh nghiệm làm giảng viên đàm phán tại một trong những trường thương mại hàng đầu thế giới (Wharton - Hoa Kỳ) - nơi mà người học là những bộ óc kinh doanh sáng dạ (sinh viên) và giỏi nhất thế giới (doanh nhân), Richard Shell được gọi là “ngôi sao” trong lĩnh vực đàm phán. 

Trình độ siêu đẳng của Richard Shell được thể hiện trong tập sách mang tên Bargaining for Advantage (bản tiếng Việt của NXB Trẻ có tênĐàm phán để giành lợi thế). Theo Chủ tịch, Giám đốc điều hành Perry Ellis International Max J.Garelick, đây là “quyền sách phải đọc đối với những ai muốn tự tin và hiệu quả hơn trên bàn đàm phán”.

Richard Shell khẳng định, “Đàm phán không phải là khoa học gì ghê gớm, nhưng nó cũng không phải trực giác đơn thuần. Dù bạn là ai thì trực giác cũng sẽ đánh gục bạn trong những tình huống đàm phán quan trọng. Để tiến bộ, bạn cần cất sang một bên những giả định của mình và cởi mở trước những ý tưởng mới. Trên hết, bạn phải học cách nhận ra những chiến lược tâm lý tiềm ẩn vốn đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán”. Tất cả những điều đó cần dựa vào một cơ sở duy nhất: thông tin.

Richard Shell cho biết nguyên tắc “đàm phán dựa vào thông tin” tập trung vào 3 khía cạnh chính: chuẩn bị và lên kế hoạch vững chắc trước khi bắt đầu, lắng nghe kỹ càng để tìm ra đối phương thực sự muốn gì, và chờ những “tín hiệu” phía bên kia phát ra khi đang đàm phán. “Đàm phán dựa vào thông tin” đòi hỏi tìm được càng nhiều thông tin tin cậy về hoàn cảnh và về đối tác càng tốt. 

Phương pháp đàm phán dựa vào thông tin của Richard Shell tập trung vào 6 yếu tố - 6 nền tảng của đàm phán hiệu quả. Cụ thể như sau:

Nền tảng đầu tiên: Phong cách thương lượng của bạn

Phong cách đàm phán riêng của bạn là một biến số quan trọng trong thương lượng. Nếu bạn không hiểu những gì bản năng hay trực giác sẽ nói với mình ở những điều kiện khác nhau thì bạn gặp nhiều khó khăn trong việc lên chiến lược và đáp trả hiệu quả.

Steve Ross, người sáng lập của Warner Communication và sau đó là CEO của Time Warner Inc., có tính cực kỳ tranh đua. Một lần khi chơi bài canasta cùng vợ và một cặp vợ chồng nữa trong một chuyến đi bằng máy bay riêng của Warner, ông thua ván cuối ngay trước lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh và đã yêu cầu phi công bay vòng quanh sân bay cho đến khi ông giành phần thắng lần cuối cùng. Đây là phong cách điển hình của Ross trong “trò chơi” kinh doanh.

Ngược lại, Larry King, người dẫn chương trình nổi tiếng của chương trình Larry King Live trên CNN lại có tiếng là một trong những người dễ thương nhất trong giới giải trí đại chúng. Lúc sự nghiệp King đang lên, người đại diện của ông quyết định “chào giá” Larry cho nhiều đài truyền hình khác. Ý đồ là gom một số lời chào cao giá rồi quay lại đòi chủ của CNN - Ted Turner, tăng nhiều triệu đô la cho King.

Kế hoạch của người đại diện vận hành tốt với lời mời bảy con số từ nhiều kênh truyền hình, nhưng Turner không chút nao núng. Người đại diện của King quyết định trình tất cả các “con bài” và nói King có thể chuyển đến một kênh truyền hình lớn khác nếu Turner không trả bằng các lời mời kia.

Turner rành King từ nhiều năm và biết ông là một người trung thành và hợp tác chứ không phải là người đàm phán cứng cựa. Vị đại diện vẫn còn ngồi trong văn phòng của Turner khi ông nhấc điện thoại gọi thẳng cho King. Tán chuyện cũ một lúc và vuốt ve rằng ông yêu quý King như thế nào, Turner nói thẳng yêu cầu trên điện thoại: “Ở lại với tôi nhé”.

“OK - King trả lời đơn giản - Tôi sẽ ở lại”.

Viên đại diện lặng người. Nhưng King vui. Ông thích khoản tiền đang kiếm được, ông thích Ted Rurner và ông thích việc Turner thích ông. Ted tăng lương cho Larry một khoản khiêm tốn. Ted ghi bàn.


Bài học: Nếu căn bản bạn là một người dễ thương thì phải gồng mình lắm mới cư xử được như Steve Ross trên bàn đàm phán. Bạn có thể làm được nhưng không bền và cũng không có nhiều tự tin. Còn nếu bạn căn bản là một người đàm phán quyết liệt, bản năng lấy-cho-được hẳn sẽ cứ ngoi lên cho dù bạn gắng hết sức đè nén tính cách này xuống. Thực tế, ngay cả khi bạn thật sự ghét đàm phán, bạn vẫn có thể làm tốt, miễn là chấp nhận con người mình và học cách làm việc cùng với nó.

Lời khuyên của tôi là bắt đầu việc học đàm phán bằng cách nhìn kỹ vào gương. Nước đi nào bạn thấy thoải mái và tự nhiên nhất cho mình? Và làm thế nào bạn có thể sử dụng bản năng của mình như một nền tảng vững chắc nhằm xây dựng bộ kỹ năng hiệu quả và chiến lược để đạt được mục tiêu? 

Bạn sẽ phát huy cao nhất năng lực đàm phán bằng cách xác định và sau đó xây dựng dựa trên điểm mạnh và tài năng thực thụ của mình.

Vượt lên phong cách - hướng đến hiệu quả

Người ta có thể mang nhiều khác biệt cá nhân đến bàn đàm phán nhưng mục tiêu trên hết của mỗi chúng ta thì không khác nhau: làm thế nào ta có thể sử dụng thật hiệu quả sự kết hợp duy nhất của tính cách và tài năng? 

Có nhiều tác nhân làm nên một nhà đàm phán điêu luyện, gồm cả những thứ như trí nhớ tốt, “nhanh miệng”, và chịu đựng áp lực cao. Nhưng hiệu quả không chỉ là vấn đề khả năng mà còn là thái độ. Những người đàm phán giỏi nhất có 4 cách suy nghĩ chính mà ai cũng có thể học theo để nâng cao kết quả đàm phán của mình, dù thuộc phong cách, giới tính, văn hóa nào đi nữa. Đó là:

- Sẵn sàng chuẩn bị
- Có kỳ vọng cao
- Kiên nhẫn lắng nghe
- Giữ phẩm giá của mình.

Nền tảng thứ hai: Mục tiêu và kỳ vọng của bạn

Năm 1995, một công ty Nhật nhỏ bé có tên là Sony Corporation làm ra một sản phẩm mới: thiết bị thu sóng radio tí hon giá 29,99 đô la một chiếc. Sản phẩm đó bán chạy ở Nhật nhưng vị chủ tịch năng động của Sony - Akio Morita không thấy thỏa mãn. Ông muốn giới thiệu radio của Sony với thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới: Hoa Kỳ. 

Morita đến New York để xem liệu có thể lôi kéo sự quan tâm của các nhà bán lẻ Hoa Kỳ với chiếc radio mới đó không. Ngay lập tức ông vấp phải khó khăn: chiếc radio tí hon đó chẳng giống bất cứ thứ gì người Mỹ từng thấy. Sau này Morita viết lại, nhiều công ty Mỹ nói: “Tại sao ông lại làm radio bé tí xíu như vậy? Người Mỹ ai cũng thích radio to thôi”.

Nhưng Morita rất bền bỉ và nhanh chóng thu hút Bulova, một trong những tên tuổi ngành điện tử lớn nhất thời bấy giờ. Bulova nhận mua 100.000 radio để phân phối qua mạng bán lẻ cực mạnh khắp Hoa Kỳ của họ.

Morita sốc vì khối lượng đặt hàng. Với cái giá Bulova sẵn sàng trả, đơn đặt hàng đó giá trị gấp nhiều lần tổng số vốn đang hoạt động của Sony. Đó là vụ làm ăn cả đời mới có.

Nhưng chỉ với một điều kiện: Sony sẽ là “nhà sản xuất thiết bị gốc” trong hợp đồng, tức Sony sẽ làm radio còn Bulova sẽ bán với thương hiệu của mình. Điều kiện này mâu thuẫn trực tiếp với mục tiêu dài hạn quan trọng mà Morita đã đặt ra cho công ty mình: biến Sony thành tên tuổi toàn cầu, độc lập trên nền tảng là những sản phẩm chất lượng và sáng tạo tiên phong.

Morita liên lạc với ban giám đốc tại trụ sở Sony ở Nhật để xin chỉ thị. Ban giám đốc hớn hở trả lời: thôi quên chuyện thương hiệu đi và nhận đơn đặt hàng ngay.

Morita suy đi nghĩ lại một tuần và quay lại Bulova để tiếp tục đàm phán. Ông nói với phía Bulova rằng mình muốn giao dịch nhưng không thể chấp nhận điều kiện. 

Bây giờ đến lượt nhân viên mua hàng của Bulova sững sờ. Điều kiện của Bulova là tiêu chuẩn trong những giao dịch như thế.

“Tên công ty của chúng tôi là thương hiệu mất hơn năm mươi năm mới có được - nhân viên mua hàng nhấn mạnh - Còn chẳng ai biết đến thương hiệu của anh. Vậy tại sao không tận dụng lợi thế của chúng tôi?”.

Morita điềm tĩnh trả lời: “Năm mươi năm trước, thương hiệu của anh có lẽ cũng chưa được ai biết như tên chúng tôi bây giờ. Tôi ở đây với sản phẩm mới và tôi đang dò những bước đầu tiên trong năm mươi năm tới của công ty tôi. Năm mươi năm nữa, tôi bảo đảm với anh là tên của chúng tôi cũng sẽ nổi tiếng như tên công ty anh bây giờ”. Morita đã gạt bỏ hợp đồng lớn nhất lịch sử công ty. Ban giám đốc thực sự sốc khi ông báo cáo quyết định của mình và nói Morita quá ngu ngốc.

Sau đó không lâu, Morita nhận một hợp đồng khiêm tốn hơn từ một nhà phân phối Mỹ khác nhưng công ty này đồng ý để Morita giữ cái tên Sony trên chiếc radio. Ông nhanh chóng đồng ý và chiếc radio tí hon đã lọt mắt người tiêu dùng Mỹ với cái tên Sony. Nhắc lại lần đàm phán với Bulova, Morita đã viết: “Tôi vẫn nói rằng đó là quyết định tốt nhất tôi từng có”.

Quyết định từ chối của Morita trước lời đề nghị hấp dẫn từ Bulova rất nguy hiểm. Nhưng lập trường thương lượng đã thể hiện sức mạnh trong tầm nhìn của ông cho Sony. Morita đã có mục tiêu: biến cái tên Sony thành từ thông dụng ở mọi gia đình cho những đồ điện tử chất lượng trên khắp thế giới trong năm mươi năm. Ông đã đạt được mục tiêu đó trong thời gian đã định và trở thành huyền thoại kinh doanh.

Nền tảng thứ hai của đàm phán hiệu quả tập trung vào mục tiêu và kỳ vọng của bạn.

Bạn không thể biết khi nào nói “Có” và khi nào nói “Không” nếu không biết trước mình đang cố gắng đạt được điều gì. Nhưng bạn không cần phải là Akio Morita tiếp theo để có được bài học từ câu chuyện của ông. Nghiên cứu về đàm phán khẳng định ai sẵn sàng dành thời gian để phát triển những kỳ vọng cao đều sẽ thành công vượt trội và hơn nữa không nhất thiết đưa mối quan hệ với người khác hay danh tiếng của mình vào nguy hiểm.

Mục tiêu: Bạn sẽ không bao giờ đánh trúng mục tiêu nếu không nhắm

Để là một nhà đàm phán hiệu quả, bạn phải hiểu rõ mình muốn đến đâu và tại sao. Tức là bám theo những mục tiêu có thể lý giải và cụ thể. Hãy theo những bước đơn giản sau đây:

1/ Suy nghĩ cẩn thận bạn thực sự muốn gì - và hãy nhớ tiền thưởng chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích cuối cùng.

2/ Đặt mục tiêu lạc quan - nhưng phải hợp lý.

3/ Cụ thể.

4/ Quyết tâm. Viết mục tiêu xuống và nếu có thể, hãy thảo luận các mục tiêu với ai đó.

5/ Đem mục tiêu của bạn vào đàm phán. 

Khi đặt ra mục tiêu, bạn hãy đánh giá cẩn thận những gì là quan trọng cho mình. Dĩ nhiên tiền quan trọng. Nhưng hãy xác định rõ những lợi ích và nhu cầu ẩn bên dưới. Một khi đàm phán bắt đầu, bạn rất dễ bị cuốn vào các vấn đề cạnh tranh như giá cả mà quên mất mình đang cố gắng đạt được gì.

Khi đặt ra mục tiêu, hãy suy nghĩ mạnh mẽ và lạc quan về những gì bạn muốn thấy nó diễn ra. Nghiên cứu liên tục cho thấy những người có khao khát mạnh hơn trong đàm phán sẽ làm tốt hơn và đạt được nhiều hơn những ai có mục tiêu khiêm tốn, với điều kiện họ thực sự tin vào mục tiêu của mình.

Mục tiêu lạc quan chỉ hiệu quả nếu chúng khả thi, tức là chỉ khi nào bạn tin vào chúng và có thể chứng minh được theo một số tiêu chuẩn hay quy tắc nào đấy.

Phía kia sẽ cho bạn biết nếu mục tiêu lạc quan của bạn là không thể và bạn sẽ chẳng làm gì phật ý người ta khi đòi hỏi cho mục tiêu của mình nếu bạn có lý lẽ để hỗ trợ nó. Bạn cứ trình bày ý kiến của mình một cách lịch thiệp và thể hiện sự lắng nghe quan điểm của đối phương.

Câu chữ trong việc đặt mục tiêu đàm phán yêu cầu chúng ta càng cụ thể càng tốt. Sự rõ ràng đẩy lùi những rối rắm trong đàm phán cũng như trong nhiều việc khác. 

Nỗi lo thất bại và bản chất tự nhiên muốn né tránh thất vọng và nuối tiếc đều là những công cụ tự vệ tâm lý hợp lý. Nhưng những người đàm phán hiệu quả không để những tình cảm này xen vào con đường đặt mục tiêu cụ thể của mình.

Mục tiêu của bạn chỉ hiệu quả khi nào bạn trung thành với nó. Đầu tiên, bạn nên đảm bảo rằng mục tiêu của mình là hợp lý và được những lý luận chặt chẽ hỗ trợ. Bạn phải tin vào mục tiêu của mình thì mới quyết tâm với nó được.

Thứ hai, sẽ rất có ích nếu bạn dành chút thời gian để hình dung sinh động khi đạt được mục tiêu thì cảm giác sẽ ra sao, sự vật sẽ trông như thế nào. Hình dung giúp kết nối suy nghĩ của bạn sâu hơn vào quá trình thành công và cũng nâng mức tự tin và quyết tâm của bạn. 

Thứ ba, các nhà tâm lý học và các nhà tiếp thị cho rằng hành động viết mục tiêu ra khiến cảm giác quyết tâm tăng cao hơn là chỉ nghĩ ngợi về nó.

Để quyết tâm hơn nữa với mục tiêu của mình, hãy nói về nó với người khác và cho họ xem mục tiêu bạn đã viết ra. Nếu có người khác biết mục tiêu của bạn, bạn sẽ bắt đầu thầm thấy mình có trách nhiệm với chúng, và nghiên cứu chỉ ra rằng các nhà đàm phán thương lượng gắt hơn khi họ phải giải thích cho người khác tại sao họ không đạt được mục tiêu.

Đôi khi bạn dễ bị đối phương hất khỏi mục tiêu trong quá trình đàm phán. Do đó mang theo mục tiêu vào đàm phán là việc nên làm và nếu bạn thấy mình bị cuốn đi, hãy nghỉ một chút và xem lại mục tiêu trước khi tiến xa hơn.

Nền tảng thứ ba: Những quy tắc và tiêu chuẩn quyền lực

Bên cạnh sức mạnh của mục tiêu rõ ràng, đàm phán khai phá một trong những động lực tâm lý căn bản nhất của con người: nhu cầu giữ được (ít ra là trong chính mắt mình) vẻ nhất quán và công tâm trong lời nói và hành động. Nền tảng thứ ba của Đàm phán hiệu quả quan tâm đến động lực tâm lý này. 

Khi trẻ con thảo luận ai được chơi với món đồ chơi, chúng thường dùng những quy tắc như “ai đến trước chơi trước” hay “đến lượt mình rồi”. Khi các nhà quản lý tranh cãi về chiền lược công ty, họ sẽ nói về vị trí của mình với những chuẩn như “tính sinh lời”, “mức chuẩn” và “hiệu quả”. Và khi nguy cơ sa thải đến, người ta tranh cãi xem ai sẽ còn ở ai ra đi với các tiêu chuẩn như “mức độ thâm niên”, “năng suất làm việc”. Cuối cùng, phương thức phổ biến nhất để kết thúc đàm phán là công thức phân chia: xẻ đôi khoản khác biệt.

Nguyên tắc nhất quán và “Đòn bẩy quy tắc”

Nguyên tắc nhất quán có thể cho bạn cái mà tôi gọi là đòn bẩy quy tắc trong đàm phán. Đòn bẩy quy tắc là cách sử dụng khéo léo các tiêu chuẩn, quy tắc và định vị chặt chẽ để giành thế thuận lợi hoặc bảo vệ vị trí. Bạn vận dụng tối đa được đòn bẩy quy tắc của mình khi các tiêu chuẩn quy tắc và đề tài bạn khẳng định cũng là những thứ mà đối phương công nhận là chính đáng và phù hợp với cách giải quyết bất đồng.

Nếu bạn đặt nhu cầu, tiêu chuẩn và thẩm quyền của mình thành cách tiếp cận căn bản duy nhất, bạn sẽ không mang lại sự thống nhất. Thay vào đó, bạn phải tính xem nên đưa nguyên tắc nào ra để đấu với nguyên tắc của đối phương. Vì thế cách tốt nhất là dự đoán những tiêu chuẩn đối phương thích và theo đó lập ra đề nghị của mình.

Tiêu chuẩn và quy tắc phải dựa vào nguyên tắc nhất quán mới có sức mạnh trong đàm phán. Nhưng có một số tiêu chuẩn/quy tắc mạnh hơn một số khác, đặc biệt là trong các giao dịch thị trường. Những tiêu chuẩn thị trường mạnh nhất sẽ là điểm neo hay là điểm trọng tâm trong đàm phán. 

Ngoài những tiêu chuẩn đã thể chế hóa, hầu hết các quy tắc trong đàm phán thị trường đều có thể tranh luận. Đây là những tiêu chuẩn thước dò. Chúng tạo ra nền tảng để tranh luận một cách văn minh về kết quả thuận lợi chứ không trấn áp tạo ra kết quả cuối cùng. Chúng hợp thức hóa những lời đề nghị và yêu cầu, đồng thời thu hẹp phạm vi diễn ra thương lượng.

Sức mạnh của thẩm quyền

Ngoài nguyên tắc nhất quán còn một đòn bẩy tâm lý thứ hai cho tính thuyết phục của tiêu chuẩn và quy tắc. Đó là khuynh hướng tuân phục theo quyền lực của con người.

Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra một sự thật chắc chắn về bản tính con người: chúng ta có chiều hướng tuân phục uy quyền. Mức độ nhấn mạnh tính tuân phục uy quyền khác nhau tùy từng văn hóa, nhưng ngay cả người Mỹ - những người có xu hướng cá nhân cực cao vẫn tuân thủ quyền lực trong nhiều tình huống. Việc tuân thủ quyền lực hữu ích trong hầu hết trường hợp. 

Nếu bạn cảm thấy sức mạnh của “tuân phục quyền lực” lúc sắp đề xuất thương lượng hay trước khi trình bày quan điểm thật sự của mình trong một cuộc thảo luận đang diễn tiến, hãy đánh giá tình hình kỹ càng trước khi quyết định tuân phục. Hãy đảm bảo sự tuân phục hay nhượng bộ của bạn có lý do dựa trên quyền lợi căn bản của mình chứ không phải vì chức danh hay địa vị của đối phương.

Nền tảng thứ tư: Các mối quan hệ

Các mối quan hệ có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu của mình mà cũng có thể khiến ta điều chỉnh mục tiêu. Ví dụ như phần đông chúng ta sẽ không tính phí một dịch vụ cho người bạn thân giống như ta có thể tính với một khách hàng công ty. 

Ở cốt lõi của mối quan hệ con người là một nhân tố tương tác mỏng manh: lòng tin. Có lòng tin, mọi thương lượng đểu ổn thỏa. Không có lòng tin vào nhau, việc đàm phán gian nan hơn, khó thực hiện hơn và dễ đổ vỡ trước thay đổi về động cơ và hoàn cảnh.

Bí mật nào để tạo dựng và duy trì lòng tin trong đàm phán? Một quy tắc đơn giản nhưng vững chắc trong xử sự của con người: quy tắc đền đáp.

Tiến sĩ Alvin Gouldner đã mô tả sự ràng buộc của đền đáp là “nghĩa vụ mà người ta nợ nhau, không phải như những con người, mà là những thành viên trong cùng một nhóm, hay thậm chí là người sở hữu một địa vị xã hội trong nhóm, nhưng hơn cả là vì những hành động trước đây của họ. Chúng ta mắc nợ những người khác vì họ đã từng làm một việc gì đó cho ta trước đây, vì lịch sử của những tương tác ta từng có với họ”.

Nghiên cứu nhân học và tâm lý học về quy tắc đền đáp đã khẳng định sức mạnh của nó trong tất cả các loại giao dịch, dù lớn hay nhỏ.

Những nhà kinh tế học theo trường phái cũ thường không hiểu được vai trò của những quy tắc như đền đáp trong các mối quan hệ qua lại. Họ cho rằng ai cũng muốn thu lợi hết mức về mình trong bất kỳ giao dịch nào. Nhưng những nhà đàm phán lão luyện và những người kinh doanh hiểu được điều đó. Họ hiểu mối quan hệ lâu dài và những mối tác động qua lại tin cậy dựa trên sự đền đáp và nguồn gốc vững chắc cho cả thuận lợi kinh doanh lẫn sự thỏa mãn cá nhân. Một ít gam tin tưởng cá nhân vững chắc vào đối tác kinh doanh có giá trị bằng cả tạ hợp đồng và bảo đảm này nọ. Và trở thành người đáng tin cậy mang lại cho ta không chỉ việc kinh doanh sau này. Nó còn cho ta lòng tự trọng.

Nếu bóc đến lõi thì quy tắc đền đáp trong đàm phán là một quy tắc hành xử đơn giản có ba bước. Đầu tiên, chính bạn phải luôn là người đáng tin cậy. Bạn không có quyền đòi hỏi người khác phải là những gì mà chính bạn không thể. Thứ hai, bạn nên công bằng với những ai công bằng với bạn. Nguyên tắc đơn giản này là xương sống cho hầu hết những mối quan hệ đàm phán hiệu quả nhất. Thứ ba, bạn nên cho đối tác biết khi nào bạn nghĩ họ không đối xử công bằng với bạn. Việc đối xử không công bằng, nếu không được chú ý hay được đáp trả, sẽ nuôi dưỡng bóc lột, kéo theo là sự oán giận và sụp đổ hoàn toàn mối quan hệ.

Con người phức tạp và khó đoán định. Dù mối quan hệ của bạn với đối phương có thể ổn định đến đâu thì bạn vẫn phải cẩn thận với niềm tin của mình trong bất kỳ đàm phán nào. Tức là bạn phải có thói quen đánh giá lại yếu tố quan hệ như một phần không thể thiếu của kế hoạch đàm phán hiệu quả.

Tuy nhiên, dù cẩn thận là việc tốt, nhưng đôi khi con người ta chính xác là những gì bạn thấy.

Thực tế, mối quan hệ cá nhân giữa hai bên đàm phán càng gần gũi thì họ càng tìm cách giảm thiểu mâu thuẫn và kết thúc đàm phán theo sự thỏa hiệp ngang bằng, đơn giản cho cả hai bên.

Ít năm trước, có ba giáo sư thực hiện một nghiên cứu thương lượng nhằm tìm hiểu các cặp đang yêu đương thương lượng nhau thế nào. Kết quả: Những cặp đang yêu có phong cách thương lượng “mềm mại” hơn các cặp xa lạ nhiều. Họ mở đầu thương lượng với mục tiêu khiêm tốn hơn, nhượng bộ nhiều hơn, đấu khẩu ít hơn và nói với nhau sự thật về định vị thương lượng thường xuyên hơn. Tóm lại họ dễ thương với nhau hơn là những người lạ và đạt được thỏa thuận sau những dàn xếp đơn giản, thẳng thắn.

Tuy nhiên, phong cách mềm mại cũng có cái giá của nó. Họ ít thành công hơn những người xa lạ trong việc khai thác những thỏa hiệp có lợi cho cả đôi bên đang lẩn khuất đâu đó trong quá trình đàm phán. Bởi họ chỉ tập trung vào những dàn xếp ngang bằng, đơn giản trên mọi vấn đề, ít tập trung vào giải quyết khó khăn và thăm dò các ưu tiên như những người xa lạ với đầu óc cạnh tranh. 

Người đàm phán hiệu quả quan tâm đến “công bằng” nhưng họ cũng rất kiên tâm theo đuổi mục tiêu của mình. Họ thúc đối phương giúp mình tìm ra giải pháp tốt nhất chứ không phải là những dàn xếp đơn giản nhất.

Nhưng không có một kiểu quan hệ trung dung – một cái gì đó nằm giữa bạn và người lạ sao? Có chứ! Giữa hai thái cực đó chính là mối quan hệ công việc. Đấy là những mối quan hệ trao đổi trong đời sống công việc hằng ngày. Chúng dựa trên cả mức độ tin tưởng và nhân nhượng qua lại cũng như sự cẩn trọng khi cả hai bên cùng theo đuổi lợi ích cao nhất của mình.

Chiến lược tâm lý để xây dựng mối quan hệ công việc

Làm thế nào xây dựng niềm tin cần có để hình thành mối quan hệ công việc? Có nhiều chiến lược hữu ích, nhưng bạn nên nhớ sự chân thành trong hành xử của mình là chìa khóa để tất cả những chiến lược ấy hiệu quả. Người ta không phản ứng thiện cảm khi họ nghĩ người khác đang cố gắng lợi dụng họ.

Nguyên tắc tương đồng

Ở mức độ thấp nhất, có một sự thật tâm lý đơn giản là chúng ta dễ tin những ai có nét tương đồng với ta hơn - những người hành động giống ta, chia sẻ cùng ta những lợi ích và kinh nghiệm chung, và xác nhận cùng nhóm với ta.

Vai trò của quà và thiện ý

Một con đường khác đã được thời gian kiểm chứng để thúc đẩy quá trình xây dựng niềm tin đầy nhạy cảm trong mối quan hệ công việc là cho đối phương một thứ gì đó như biểu tượng của niềm tin.

Quà mang mục đích giao tiếp quan trọng giúp xây dựng lòng tin. Chúng là biểu tượng của mối quan hệ ẩn chứa giữa các bên.

Các nhà kinh tế học hành vi vẫn cho rằng quà - đặc biệt là quà giữa những người xa lạ không chút quan hệ - thường là dấu hiệu bày tỏ ý đồ đầu tư cho một mối quan hệ tương lai. 

Quà, sự tử tế, sự quan tâm chu đáo đến tình cảm của người khác, tất thảy đều giúp thiết lập và duy trì mối quan hệ cá nhân gần gũi, và những hành động như thế mang nặng tính biểu tượng trên bàn đàm phán. 

Lòng tin và mạng lưới quan hệ

Cách thứ ba để thiết lập lòng tin trên bàn đàm phán là thông qua mạng lưới quan hệ. Những mạng lưới như vậy thường giúp chúng ta tiếp cận được và có uy tín với những người chúng ta đang tìm kiếm ảnh hưởng. 

Việc chúng ta có quen biết qua lại với đối tác có thể giúp chúng ta trở nên thân thuộc hơn và tạo điều kiện tối thiểu cho niềm tin. Nếu đối tác biết ai đó có thể chứng nhận sự đáng tin cậy của ta thì họ hẳn tin hơn rằng ta sẽ xử sự tốt với họ.

Nền tảng thứ năm: Mối quan tâm của đối phương

Những nhà đàm phán hiệu quả có một đặc tính vô cùng quan trọng: khả năng nhìn thế giới từ quan điểm của đối phương. Để thành công trong đàm phán bạn phải học cách hỏi lợi ích của đối phương có thể là gì để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Sau đó bạn nên xác định tại sao đối phương có thể nói “không” để bạn có thể dỡ bỏ càng nhiều những phản đối của họ càng tốt. Hiểu đối phương thực sự muốn gì là điểm thiết yếu đối với đàm phán dựa vào thông tin, nhưng chuyện đó không dễ dàng gì.

CEO của một trong những ngân hàng phát triển nhanh nhất ở Mỹ từng giải thích cách tốt nhất để chuẩn bị cho đàm phán là: “Bạn phải vượt ra khỏi ước muốn và nhu cầu của chính mình và tìm hiểu hết mức có thể những gì là ý nghĩa với đối tác. Mà chuyện đó không phải lúc nào cũng tốn kém tiền bạc gì đâu”.

Doanh nhân H.Wayne Huizenga cũng có cách tiếp cận tương tự. Một đồng nghiệp đã mô tả quá trình chuẩn bị của Huizenga như thế này: “Ông giỏi thâu tóm vì ông biết cách đối xử với mọi người. Ông nghiên cứu và nghĩ về đối phương trên bàn đàm phán rất nhiều, và ông có thể thay đổi ý kiến hôm nay khác với hôm qua vì ông luôn nghĩ về đối phương”.

Các nghiên cứu thực nghiệm khẳng định những ai có thể đánh giá lợi ích đối phương chính xác hơn sẽ luôn đạt kết quả tốt hơn so với những người chỉ chăm chăm vào mục tiêu của riêng mình.

Trong thế giới của các mối quan hệ kinh doanh mà người bán và người mua là công ty với nhau, nguyên tắc sự hài lòng của khách hàng vẫn nguyên giá trị, thậm chí với những tỷ lệ còn lớn hơn. Gần đây tạp chí BusinessWeek cho biết các công ty trong vai trò người mua ngày càng là những nhà đàm phán điêu luyện, đề nghị và được những thứ như hợp đồng dài hạn kèm lời hứa “không tăng giá”, tăng chất lượng mà không tính thêm phí, dịch vụ hậu mãi miễn phí và nâng hạng, và những điều khoản tài chính thuận lợi. Mối quan tâm chung trong việc giữ khách hàng hài lòng trong một thị trường cạnh tranh cao là một nguồn giá trị to lớn, vì vậy mà đề tựa của bài báo là “Hãy hỏi và sẽ được giảm giá”.

Tìm ra những gì đối phương đang lo nghĩ nghe chừng đơn giản nhưng chính thái độ của chúng ta trong đàm phán khiến việc này khó khăn vô cùng. Đa số vẫn cho rằng nhu cầu của người khác hẳn phải mâu thuẫn với của mình. Họ cũng hạn chế tầm nhìn vào những vướng mắc của chính mình mà quên đi đối phương cũng thường có khó khăn theo quan điểm từ phía họ. 

Những nhà đàm phán tốt nhất vượt qua những giả định này bằng cách không ngừng tò mò đâu là động lực thực sự của đối phương. Thực tế, nghiên cứu cho thấy họ dành thời gian nhiều gấp bốn lần so với những người đàm phán bình thường để suy nghĩ một cách chiến lược về thế giới quan của đối phương.

Nền tảng thứ sáu: Đòn bẩy

Đây là yếu tố quan trọng nhất trong thương lượng có quyền lợi cao. Đòn bẩy là sức mạnh của bạn không chỉ để đạt được đồng thuận mà là đạt được đồng thuận theo những điều khoản của bạn. Nghiên cứu cho thấy, với đòn bẩy, ngay cả một nhà đàm phán trung bình cũng sẽ làm tốt trong khi không có đòn bẩy thì chỉ những tay thương lượng cực siêu mới đạt được mục tiêu đề ra. Phía có đòn bẩy thì tự tin còn phía không có thì thường lo lắng và bất an.

Những nhà đàm phán có kỹ năng lưu ý cặn kẽ nhu cầu và mối quan tâm của đối phương. Nhưng phải hiểu rõ thế này: họ làm vậy vì có mục đích. Họ không đàm phán để giải quyết vấn đề của đối phương. Họ đàm phán để đạt được mục tiêu của chính mình. Và cách chắc chắn nhất để đạt được mục tiêu của bạn tại bàn đàm phán là có và sử dụng một thứ mà ai cũng muốn nhưng chỉ có những “tài năng” đàm phán mới hiểu hết được: đòn bẩy. Đòn bẩy xuất phát từ sự cân bằng giữa nhu cầu và sự sợ hãi ở bàn đàm phán. 

Cách tốt nhất để kiểm tra độ hiểu biết của bạn về đòn bẩy là đánh giá lại con đường của bạn qua một ví dụ tình huống đàm phán khó khăn và quyền lợi cao, đặt câu hỏi với chính mình ở từng bước trên con đường đó: “Ai có ưu thế?” và “Với tình hình đó thì các bên tiếp theo nên làm gì?”. Nếu bạn có thể hiểu được đòn bẩy hoạt động như thế nào trong một tình huống khó khăn như thế thì bạn đã sẵn sàng bắt đầu phân tích đòn bẩy trong những đàm phá chuyên môn và công việc hằng ngày được rồi.

Ba dạng đòn bẩy:

Đòn bẩy tích cực

Loại đòn bẩy đầu tiên và phổ biến nhất trong các tình huống thương mại là đòn bẩy tích cực dựa trên nhu cầu. Mỗi khi đối phương nói “Tôi muốn” trong đàm phán, bạn nên nghe âm thanh vui vẻ của quả cân rơi lên đĩa cân bên phía bạn. Công việc của một nhà đàm phán như bạn là tìm ra tất cả những gì đối phương muốn và điều tra càng kỹ lưỡng càng tốt những nhu cầu của anh ta cấp bách đến thế nào.

Donald Trump tóm gọn lại rất hay như thế này: “Đòn bẩy là có thứ gì đó mà đối phương muốn. Hay tốt hơn là nhu cầu (của đối phương). Hay tốt nhất là thứ (đối phương) không thể nào thiếu được”.

Đòn bẩy tiêu cực

Loại thứ hai là đòn bẩy tiêu cực hay là đòn bẩy dựa trên đe dọa. Vì đe dọa thường làm nảy sinh sự xấu xa, phản kháng và oán hận nên những nhà đàm phán lão luyện sử dụng chúng một cách vô cùng cẩn trọng. Phô bày sức mạnh có thể làm cho đối phương yếu xuống qua những dấu hiệu là to tiếng.

Đòn bẩy chuẩn

Loại thứ ba và cuối cùng là đòn bẩy chuẩn, xuất phát từ nguyên tắc nhất quán. 

Đòn bẩy là một tổng hợp phức tạp của những ý tưởng. Nó gồm cả những cơ hội có thể mất nếu các bên không đạt được thỏa thuận, gồm những lời đe dọa đến tình trạng của mỗi bên, và cả những mất mát có thể của lòng tự trọng nếu hành động của họ không nhất quán (ngay trong mắt họ) với những tiêu chuẩn hành xử hay thương lượng trước đó hay đã được chuẩn hóa.

Nhưng có một cách đánh giá đòn bẩy dễ nhớ, đơn giản: hãy tự hỏi mình, vào thời điểm bạn đánh giá, bên nào mất nhiều nếu không đạt được thỏa thuận. Bên nào mất nhiều nhất có đòn bẩy ít nhất, bên nào mất ít nhất thì có đòn bẩy nhiều nhất, và cả hai bên có đòn bẩy tương đương khi cả hai mất như nhau nếu thỏa thuận thất bại. 

Đòn bẩy là một đại lượng quan trọng trong đàm phán. Phía mất ít nhất nếu không thỏa thuận được thường là phía có thể đòi hỏi những điều khoản đàm phán quan trọng xảy ra theo ý mình. Bạn có thể nâng cao đòn bẩy của mình nhờ sử dụng nhiều động thái khác nhau, bao gồm tìm giải pháp thay thế tốt để đạt được mục tiêu của mình từ ngoài bàn đàm phán, giành quyền kiểm soát những giá trị mà đối phương cần, lập liên minh, sắp đặt tình huống sao cho đối phương bị mất mặt nếu không đạt được thỏa thuận, cho nhà đàm phán nọ thấy bạn có sức mạnh làm anh ta yếu đi và nhiều điều khác nữa.

Hãy cẩn trọng với những quan niệm sai lầm thường gặp đối với đòn bẩy. Ngay cả những người kém sức cũng có thể có đòn bẩy trong một số tình huống nhất định. Và đòn bẩy là yếu tố năng động dựa trên nhận định nhiều không kém gì trên thực tế.

UNIQUE ADVERTISING – QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI 
Hotline: 0986 268 555 ( Mr.Linh )
Địa chỉ: Hà Nội: Phòng C6, tầng 5, Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Hà Nội.
             Hồ Chí Minh: Số 6 Phan Đình Giót, Tân Bình, Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84-4) 6686 3579 / 6687 2345
Email: info@taximedia.com.vn
               www.taximedia.com.vn
               www.pano.vn
               www.outdoormedia.vn

   Unique Advertising – “Take Another Look For Advertising”